Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã để thua đội tuyển Trung Quốc 2-3 ở lượt trận thứ ba vòng loại thứ ba World cup 2022 khu vực châu Á. Nhiều người tiếc nuối, nhiều chuyên gia thể thao đã phân tích đủ các góc nhìn về trận cầu này. Cũng có không ít ý kiến chỉ trích HLV Park Hang-seo và các cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ trẻ Thanh Bình.
Trong bóng đá, khi trọng tài chưa nổi còi kết thúc trận đấu thì mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Mọi sự nỗ lực, mọi sự tập trung đều có thể được đền đáp một cách xứng đáng. Và nếu không làm được điều đó, ắt sẽ phải trả giá. Trong bài viết này, tôi chỉ xin phân tích thêm hai vấn đề:
Những tiếc nuối
Đúng là trong trận đó, chúng ta không giữ được một điểm quả là điều đáng tiếc. Nhưng như tôi đã nói ở trên, nếu chúng ta không thể giữ được sự tỉnh táo và tập trung cho đến khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu thì cũng chỉ có thể tự trách mình mà thôi. Trong bóng đá, có rất nhiều sự tiếc nuối kinh điển cũng vì sự thiếu tập trung và tỉnh táo của một bên, nhưng cũng đồng thời là sự nỗ lực, không bỏ cuộc của bên còn lại. Có thể kể ra đây vài ví dụ như trận chung kết cúp UEFA Champions League năm 1999 giữa Manchester United và Bayern Munich hay trận chung kết cũng giải đấu này năm 2005 giữa AC Milan và Liverpool.
Trở lại với đội tuyển Việt Nam của chúng ta, ngay từ đầu, dù rất tự hào và cũng luôn ủng hộ đội tuyển, nhưng có lẽ không một ai nghĩ rằng đội tuyển có thể vượt qua vòng đấu này để giành vé dự vòng chung kết World Cup 2022. Vậy thì một trận thua có gì phải tiếc nuối?
>> 'Tuyển Việt Nam trả giá đắt khi phòng ngự số đông'
Điều tôi hy vọng và mong muốn nhất là đội tuyển của chúng ta hãy thi đấu một cách thoải mái, hết mình và cống hiến. Nói thật, sau vòng loại thứ ba này, phải nhìn nhận thực tế rằng sân chơi phù hợp với trình độ của chúng ta vẫn là Đông Nam Á. Còn được thi đấu với những đội bóng hàng đầu của châu lục là dịp để chúng ta rèn luyện, nâng cao trình độ và bản lĩnh của mình, củng cố vị thế và bản sắc của mình.
Nếu chúng ta cứ thi đấu co cụm ở sân chơi châu lục, chủ yếu phòng ngự phản công để hạn chế bàn thua hoặc tìm kiếm một trận hòa hay vài ba điểm số danh dự thì liệu chúng ta sẽ học hỏi được gì? Tại sao ở Asian Cup 2019, đội tuyển chúng ta được ca ngợi trong cả những trận thua? Vì ở giải đấu đó chúng ta thi đấu tự tin, không đặt nhiều kỳ vọng ở thành tích. Vậy thì hà cớ gì mà ở vòng loại thứ ba World Cup này chúng ta không thi đấu thoải mái và tự tin tấn công để có những trận cầu hay, đẹp mà thay vì cố kiếm một vài trận hòa, vài điểm số không có nhiều ý nghĩa?
Tôi cho rằng, đứng cuối bảng hoặc áp chót với một vài trận hòa và một ít điểm số cũng chẳng có ý nghĩa là bao, nhưng sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta cứ thi đấu theo kiểu "chịu đấm ăn xôi", phòng ngự tiêu cực. Đó mới là điều tiếc nuối nhất với người hâm mộ.
>> 'Phòng ngự là chìa khóa thành công của Việt Nam'
Những chỉ trích
Lẽ thường, trong bóng đá cũng như bất cứ lĩnh vực nào khác của cuộc sống, nếu thành công, bạn sẽ luôn được tung hô, ủng hộ. Còn nếu có sai sót dẫn tới một kết quả không được như kỳ vọng của nhiều người, việc bạn bị chỉ trích là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, trong trận đấu vừa qua, HLV Park Hang-seo và cầu thủ trẻ Thanh Bình có đáng bị chê trách? Tôi nghĩ là không. Bởi vì ông Park có lý do khi quyết định thay người như vậy. Khi nhận thấy một cầu thủ có thể không đáp ứng được diễn biến của trận đấu, hoặc đội bóng cần sự thay đổi để đảm bảo vận hành tốt hơn, HLV cần phải có sự điều chỉnh lập tức. Tất nhiên, việc điều chỉnh thay đổi không phải lúc nào cũng mang lại thay đổi tích cực.
Mặt khác, việc đưa Thanh Bình vào sân thay Tiến Dũng cũng là tạo điều kiện cho một cầu thủ trẻ có cơ hội thi đấu đỉnh cao, rèn giũa bản lĩnh và kinh nghiệm. Đó là cơ hội để các cầu thủ trẻ trưởng thành, có đủ điều kiện để thay thế các trụ cột trong nhiều giải đấu.
Một đội bóng mạnh là một đội bóng phải có chiều sâu đội hình. Một vị trí phải luôn sẵn sàng có những cầu thủ thay thế chất lượng trong mọi tình huống. Không ai có thể nói trước được tình trạng của các vị trí chủ chốt trong đội tuyển (chấn thương, phong độ...). Chính đội tuyển chúng ta trong thời gian qua cũng đã phải tạm chia tay nhiều trụ cột vì những lý do khác nhau như Đỗ Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Văn Hậu, Đình Trọng...
>> 'Việt Nam phòng ngự co cụm là sai lầm'
Với một cầu thủ trẻ, việc mắc một vài sai sót khi được thi đấu ở một trận cầu lớn cũng không phải là điều gì đó quá khủng khiếp. Nhưng tôi nghĩ, đối với người hâm mộ, chúng ta nên suy nghĩ thế này: mỗi người để đạt được thành công, trưởng thành, phải chấp nhận những vấp ngã, sai sót nhất định.
Trận đấu giữa Oman và Việt Nam diễn ra lúc 23h thứ thứ Ba 12/10, giờ Hà Nội.
Lê Quảng Đại
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.