Nhiều nghiên cứu cho thấy, không khí trong nhà có thể bị tác động bởi mạt bụi, nấm mốc, chất tẩy rửa và cả mùi nến thơm. Theo Hội đồng London (Anh), ước tính mỗi người sẽ dành hơn 90% thời gian ở nhà và sẽ hít thở không khí trong nhà hơn 150 giờ mỗi tuần. Dưới đây là những mối nguy hại về sức khỏe nếu thường xuyên hít thở bầu không khí ô nhiễm trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
Bệnh hen suyễn
Gia tăng tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí trong gia đình có khả năng liên quan đến sự phát triển của bệnh hen suyễn. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân là do tiếp xúc với acetaldehyde và toluene. Trong một nghiên cứu được thực hiện trên trẻ sơ sinh cho thấy rằng việc tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm sẽ gây nên các triệu chứng thở khò khè; từ đó dẫn đến nguy cơ mắc bệnh hen suyễn trong tương lai.
Viêm phổi
Việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong nhà sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh viêm phổi ở trẻ em và là nguyên nhân gây ra 45% tổng số ca tử vong do viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi. Theo các nhà khoa học, đối tượng này dễ mắc bệnh vì cơ thể vẫn đang phát triển. Do đó hệ miễn dịch của trẻ sẽ khó xử lý chất độc hơn người trưởng thành.
Ngoài trẻ nhỏ, ô nhiễm không khí trong gia đình cũng có nguy cơ gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính ở người lớn. Nguy hiểm hơn, nó còn góp phần vào 28% tổng số ca tử vong do viêm phổi ở người trưởng thành.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Gần 25% trường hợp tử vong bởi bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) ở người lớn đều đến từ việc tiếp xúc với lượng không khí ô nhiễm trong gia đình quá nhiều. Trong đó, những phụ nữ dùng cách nấu ăn và dọn dẹp truyền thống là đối tượng có nguy cơ mắc COPD cao hơn gấp đôi so với các chị em sử dụng các thiết bị công nghệ và sản phẩm an toàn hơn.
Giảm chức năng phổi
Giảm chức năng phổi là hiện tượng phổ biến nhất do ô nhiễm không khí trong nhà. Trình trạng này có thể xảy ra ở mọi nhóm tuổi nhưng trẻ em sẽ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Theo một cuộc điều tra với trẻ em ở Trung Quốc cho thấy việc đốt than trong nhà sẽ làm giảm đáng kể chức năng phổi.
Ung thư phổi
Khoảng 17% trường hợp tử vong do ung thư phổi ở người lớn là do tiếp xúc với chất gây ung thư từ ô nhiễm không khí gia đình do nấu ăn bằng dầu hỏa hoặc nhiên liệu rắn như gỗ, than củi hoặc than đá. Nguy cơ đối với phụ nữ cao hơn, do vai trò của họ trong việc chuẩn bị thực phẩm.
Ảnh hưởng đến hệ tim mạch
Hút bụi có thể làm tăng ô nhiễm không khí trong nhà nếu máy hút không sử dụng các bộ lọc phù hợp. Một trong những chất gây ô nhiễm không khí trong nhà nghiêm trọng là carbon monoxide. Đây là hợp chất được tìm thấy trong khí thải từ bếp gas. Theo các nhà khoa học, tích tụ carbon monoxide về lâu dài có thể dẫn đến chóng mặt, buồn nôn và thậm chí tử vong.
Cách nâng cao chất lượng không khí trong nhà
Ô nhiễm không khí trong nhà thường dễ kiểm soát hơn nhiều so với không khí bên ngoài. Dưới đây là một số bước đơn giản giúp cắt giảm các chất ô nhiễm không khí:
Giữ môi trường sống sạch sẽ: Làm sạch nhà cửa thường xuyên bằng máy hút bụi và lau các bề mặt đồ vật bằng khăn ẩm là cách đơn giản để giữ cho môi trường luôn sạch sẽ và không có chất gây dị ứng. Với mạt bụi, mỗi người nên tập thói quen thay bộ drap giường mới mỗi tuần để hạn chế sự sinh sôi của chúng.
Sử dụng máy lọc không khí: Dù kỹ tính trong việc dọn dẹp nhưng các chất gây ô nhiễm không khí và chất gây dị ứng vẫn có thể xuất hiện trở lại bởi gió, vật nuôi và thiết bị trong gia đình. Do đó, giải pháp sử dụng máy lọc không khí sẽ giảm mức độ ô nhiễm trong không gian kín và nâng cao hiệu quả làm sạch.
Giữ độ ẩm trong tầm kiểm soát: Độ ẩm quá cao trong không khí khuyến khích sự phát triển của các chất ô nhiễm như nấm mốc và vi khuẩn. Để hạn chế độ ẩm cao trong phòng tắm, nhà bếp và tầng hầm, hãy mở cửa sổ và tận dụng ánh nắng mặt trời. Cách làm này sẽ giúp không khí dễ dàng lưu thông và hạn chế ẩm ướt.
Huyền My (Theo WHO, Country Living)