Trả lời:
Chấn thương nứt vỡ mắt cá chân thường liên quan đến các tổn thương dây chằng vùng cổ chân, gây ra các triệu chứng như sưng, đau, giảm phạm vi chuyển động và làm suy yếu sức mạnh của vùng cổ chân. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng, khiến người bệnh cần phải hạn chế vận động một khoảng thời gian. Khi phải bó bột hoặc cố định, cổ chân trở nên yếu và các cơ xung quanh có xu hướng bị căng cứng, teo cơ do thiếu hoạt động.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách tập đi bộ với sự hỗ trợ của xe tập đi hoặc nạng để giảm áp lực lên vùng chấn thương. Điều này giúp bạn từ từ tái tạo phạm vi chuyển động và sức mạnh mà không gây căng thẳng quá mức lên xương chưa hoàn toàn hồi phục.
Sau khi mắt cá chân đã lành cơ bản, bạn có thể bắt đầu chương trình tập vật lý trị liệu nhằm cải thiện sức mạnh và tính linh hoạt. Các bài tập này bao gồm kéo căng, tăng cường cơ và luyện tập thăng bằng để đảm bảo mắt cá chân có khả năng hỗ trợ hoạt động chạy bộ trở lại. Sự tham gia của chuyên gia vật lý trị liệu rất quan trọng để đảm bảo quá trình hồi phục của người bệnh đúng cách, tránh chấn thương tái phát.
Thông thường, bạn có thể bắt đầu chạy bộ sau 3-4 tháng, khi xương đã lành lại và phạm vi chuyển động cùng với sức mạnh của mắt cá chân gần như trở lại bình thường. Tuy nhiên, quá trình này phải từ từ. Đầu tiên, bạn có thể bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ nhanh, sau đó tăng dần cường độ và quãng đường chạy.
Sau 6-9 tháng, nhiều người có thể quay lại chạy bộ mà không gặp vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, mỗi người có thời gian hồi phục khác nhau tùy thuộc vào mức độ chấn thương, có phẫu thuật hay không và hiệu quả của chương trình phục hồi chức năng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể không bao giờ lấy lại hoàn toàn khả năng vận động hoặc sức mạnh của mắt cá chân để chạy bộ như trước.
Bạn nên đến bệnh viện tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá sự hồi phục. Bác sĩ chấn thương chỉnh hình hoặc vật lý trị liệu sẽ kiểm tra mức độ liền xương, phạm vi chuyển động, sức mạnh và khả năng giữ thăng bằng của cổ chân. Từ đó, bác sĩ tư vấn cho bạn thời điểm quay lại chạy bộ an toàn và phù hợp với tình trạng hiện tại. Bạn cần kiên nhẫn và tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn y tế, từ việc luyện tập phục hồi cho đến kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn trước khi chạy bộ.
ThS.BS Hồ Đức Lộc
Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |