Nội soi thực quản dạ dày, chụp X-quang thực quản dạ dày có thuốc cản quang, đo áp lực nhu động thực quản bệnh nhân, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận thực quản giãn nhẹ, đoạn cuối hẹp.
Ngày 9/9, tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết chị Thảo bị chứng co thắt tâm vị type 2 (bệnh có 3 type). Tâm vị là cơ vòng thực quản dưới, giống một chiếc van đóng - mở, có chức năng đẩy thức ăn từ thực quản xuống dạ dày và đóng lại để ngăn trào ngược. Tâm vị bị co thắt làm rối loạn chức năng thực quản, khiến quá trình hoạt động không diễn ra bình thường.
Tình trạng hẹp thực quản của chị Thảo nặng, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng như viêm loét thực quản, hẹp thực quản, viêm phổi hít do nôn ọe, áp xe phổi do thức ăn bị trào ngược. Người bệnh không ăn uống được nên có khả năng suy dinh dưỡng, sụt cân nhiều, ung thư ở vùng viêm mạn tính.
Bác sĩ phẫu thuật cắt cơ vòng dưới thực quản qua nội soi đường miệng (Peroral Endoscopic Myotomy - POEM) cho người bệnh. Bác sĩ tạo một đường hầm dưới niêm mạc ở thực quản và phần đầu dạ dày, qua đó cắt cơ thực quản dưới và 2 cm phần trên dạ dày. Đây là phương pháp ít xâm lấn, không rạch vết mổ tại ngực và bụng nên người bệnh ít đau, nhanh hồi phục và không để lại sẹo.
Hậu phẫu, chị không còn nuốt nghẹn, có thể uống sữa, ăn đồ lỏng và được xuất viện sau một ngày.
Ở người bệnh co thắt tâm vị, thực quản không đẩy thức ăn xuống dạ dày, cơ vòng dưới thực quản mở ra không hoàn toàn làm ứ đọng thức ăn ở thực quản và lên men. Các chất này rất dễ trào ngược lên miệng nên thường nhầm lẫn với trào ngược dạ dày - thực quản với các triệu chứng thường gặp như mắc nghẹn, khó nuốt, trào ngược, đau ngực khi nuốt...
Tùy mức độ co thắt tâm vị, bác sĩ điều trị phù hợp như nong bóng, cắt cơ vòng dưới qua phẫu thuật nội soi qua đường bụng hay qua ngả miệng. Bác sĩ Hùng cho biết nong bóng hơi được áp dụng phổ biến, có hiệu quả nhanh nhưng dễ tái phát. Ngược lại, cắt cơ vòng dưới thực quản qua ngả miệng có nhiều ưu điểm như ít xâm lấn, hiệu quả dài lâu và không để lại sẹo. Một số trường hợp không thể can thiệp do bệnh lý nội khoa đi kèm buộc phải điều trị bằng thuốc, tuy nhiên kết quả chỉ tạm thời, duy trì thời gian ngắn.
Hiện, chưa xác định nguyên nhân cụ thể gây co thắt tâm vị. Bác sĩ Hùng khuyến cáo người có dấu hiệu bất thường như ợ nóng, khó nuốt, đau khó chịu vùng ngực, nôn ọe, sụt cân... nên đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra.
Bác sĩ có thể chẩn đoán bằng chụp X-quang thực quản có uống thuốc cản quang, nội soi thực quản - dạ dày, đo áp lực thực quản giúp phát hiện bất thường ở đường tiêu hóa hóa sớm. Nhờ đó, người bệnh có thể được điều trị kịp thời và phòng ngừa các biến chứng.
Quyên Phan
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |