Nuốt nghẹn (khó nuốt) là tình trạng mất nhiều thời gian và nỗ lực để đẩy thức ăn hoặc nước từ miệng xuống dạ dày, có thể gây đau đớn. Trong một số trường hợp, người bệnh không thể nuốt được.
Theo BS.CKII Nguyễn Quốc Thái, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM), các dấu hiệu có liên quan đến chứng nuốt nghẹn có thể bao gồm đau khi nuốt, không thể nuốt được, cảm giác thức ăn bị kẹt lại ở cổ họng hay ngực, chảy nước dãi, khàn tiếng, nôn trớ, ợ chua, thức ăn hoặc axit dạ dày trào ngược vào thực quản...
Giải thích về nguyên nhân nuốt nghẹn, bác sĩ Quốc Thái cho biết, nuốt là hành động rất phức tạp, liên quan đến nhiều cơ và dây thần kinh. Bất kỳ tình trạng nào làm suy yếu hoặc tổn thương các cơ và dây thần kinh được sử dụng để nuốt hoặc dẫn đến hẹp phần hầu họng, thực quản đều có thể gây ra chứng nuốt nghẹn. Nuốt nghẹn bao gồm nuốt nghẹn thực quản và nuốt nghẹn vùng hầu họng.
Nuốt nghẹn thực quản: Nguyên nhân gây ra nhóm nuốt nghẹn này có thể là co thắt tâm vị (cơ vòng thực quản dưới không dãn ra khi nuốt), co thắt thực quản lan tỏa, thực quản bị chít hẹp do có khối u hoặc mô sẹo, dị vật như thức ăn hay răng giả, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), xơ cứng bì...
Nuốt nghẹn vùng hầu họng: Chứng nuốt nghẹn do nguyên nhân hầu họng liên quan đến tai mũi họng, xảy ra khi có suy yếu cơ vùng họng, khiến thức ăn khó di chuyển từ miệng vào cổ họng và thực quản khi bắt đầu nuốt. Nguyên nhân thường do rối loạn thần kinh thực vật (bệnh đa xơ cứng, loạn dưỡng cơ, Parkinson), tổn thương thần kinh đột ngột như đột quỵ hoặc chấn thương não hay tủy sống, bệnh túi thừa Zenker. Một số bệnh ung thư và phương pháp điều trị ung thư cũng có thể gây khó nuốt.
Loại ung thư gây nuốt nghẹn thường gặp nhất là ung thư thực quản. Theo thống kê của Globocan năm 2020, căn bệnh này phổ biến thứ 9 và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ 6 trên thế giới. Ung thư thực quản ở giai đoạn sớm thường không gây ra triệu chứng. Khi phát hiện được trên lâm sàng, u thường ở giai đoạn tiến triển. Người bệnh có biểu hiện nuốt nghẹn thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Một trong những yếu tố nguy cơ của chứng nuốt nghẹn là sự lão hóa. Quá trình lão hóa tự nhiên, sự hao mòn trên thực quản và một số bệnh nhất định khiến cho người lớn tuổi có nguy cơ bị nuốt nghẹn cao hơn. Bên cạnh đó, nuốt nghẹn còn liên quan đến một số vấn đề sức khỏe nhất định, cụ thể như rối loạn thần kinh. Tình trạng này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, sụt cân và mất nước do không hấp thu đủ chất. Người hay nuốt nghẹn cũng dễ bị viêm phổi do thức ăn hoặc chất lỏng đi vào đường thở và mang theo cả vi khuẩn vào phổi. Đôi khi, thức ăn mắc kẹt lại có thể chặn đường thở và cần phải cấp cứu để tránh nguy cơ tử vong.
Bác sĩ Quốc Thái chia sẻ thêm, không có biện pháp nào để ngăn chặn chứng nuốt nghẹn, nhưng có thể giảm rủi ro bằng cách ăn chậm và nhai kỹ. Người bệnh nên điều trị càng sớm càng tốt. Khi có các dấu hiệu nuốt nghẹn, người bệnh nên đến bệnh viện để được kiểm tra.
Hiện nay, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp liên quan đến chứng nuốt nghẹn, điển hình là co thắt tâm vị, trào ngược dạ dày thực quản, các khối u thực quản... bằng phương pháp nội khoa, can thiệp ít xâm lấn và xâm lấn.
Hân Thái
Những thông tin điều trị nuốt nghẹn bằng phương pháp kỹ thuật cao, ít xâm lấn sẽ được chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến "Nuốt nghẹn - Nội soi tầm soát và điều trị các bệnh dạ dày thực quản", vào lúc 20h ngày 10/11, phát trên fanpage VnExpress, website Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Báo điện tử VTV.vn, thanhnien.vn.
Chương trình có sự tham gia của 4 bác sĩ Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM gồm: BS.CKII Nguyễn Quốc Thái - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp; ThS.BS.CKII Trần Hiếu Nhân, TS.BS Trần Thanh Bình và BS.CKI Huỳnh Văn Trung - Khoa Nội tiêu hóa.