Mất nước
Nước tiểu đục tương tự tiểu sẫm màu, là dấu hiệu cho thấy bạn uống không đủ nước. Ở người già và trẻ nhỏ, tình trạng mất nước nguy hiểm hơn với sức khỏe, ví dụ sức khỏe kém, tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong. Ngoài nước tiểu đục, những dấu hiệu có thể đi kèm với tình trạng mất nước gồm nước tiểu đậm, đi tiểu ít, mệt mỏi, cảm thấy rất khát nước, lú lẫn, chóng mặt hoặc lâng lâng.
Mất nước mức độ nhẹ đến trung bình được điều trị bằng cách uống nhiều nước hoặc chất lỏng hơn. Khi mất nước nghiêm trọng, mọi người cần nhập viện để truyền dịch. Chế độ ăn cũng có thể gây tiểu đục, ví dụ uống quá nhiều sữa (có chứa calcium phosphate); ăn thực phẩm giàu phosphorus như thịt và các sản phẩm từ sữa; hoặc tiêu thụ nhiều vitamin D.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng tiết niệu có thể gây tiết dịch dưới dạng máu hoặc mủ nhiều hơn. Bên cạnh đó, cơ thể sản xuất dư thừa tế bào bạch cầu để chống nhiễm trùng tiết niệu cũng có thể làm cho nước tiểu có màu đục hoặc trắng đục.
Nhiễm trùng tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào nước tiểu và bàng quang. Phụ nữ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn nam giới. Ngoài tiểu đục, nhiễm trùng tiểu có thể có thêm các dấu hiệu như đau xương chậu, liên tục muốn đi tiểu, nóng rát.
Bệnh lây qua đường tình dục
Một số bệnh lây qua đường tình dục sẽ tạo ra phản ứng viêm trong cơ thể, dẫn tới dư thừa tế bào bạch cầu, làm đục nước tiểu. Một số bệnh tình dục làm tăng tiết dịch âm đạo, rò rỉ khi đi tiểu và gây vẩn đục.
Một số triệu chứng có thể đi kèm tiểu đục gồm tiểu thường xuyên hoặc tiểu buốt; ngứa, đỏ bộ phận sinh dục; tiết dịch lạ từ dương vật hoặc âm đạo; loét hoặc mụn cóc sinh dục; âm đạo có mùi; đau bụng. Bạn nên đi khám khi có các dấu hiệu nói trên, để được điều trị sớm.
Sỏi thận
Khi bạn bị sỏi thận, cơ thể đào thải một lượng khoáng chất cao, khiến nước tiểu có màu đục. Nhiều trường hợp sỏi thận sẽ tự khỏi mà không cần điều trị, song bệnh có thể gây đau dữ dội và cản thở lưu thông nước tiểu.
Ngoài nước tiểu đục, các dấu hiệu khác của sỏi thận gồm: đau lưng hoặc đau hai bên hông, sốt và ớn lạnh, nôn mửa, tiểu ra máu, nước tiểu có mùi, nóng rát. Nếu sỏi thận không tự đào thải, mọi người nên đi khám để được điều trị. Bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp điều trị bằng sóng xung kích, hoặc loại bỏ sỏi bằng cách đưa ống soi qua niệu đạo, phẫu thuật.
Tiểu đường type 1 và 2
Người mắc tiểu đường có thể bị đục nước tiểu vì nhiều nguyên nhân. Thận phải xử lý lượng đường dư thừa trong máu, gây ra tình trạng mất nước khiến tiểu đục. Bệnh tiểu đường làm tổn thương thận, khiến thận không thể lọc nước tiểu bình thường, cũng gây vẩn đục nước tiểu.
Một số triệu chứng khác của tiểu đường gồm đi tiểu, cảm thấy khát hoặc đói thường xuyên, mệt mỏi, mờ mắt, ngứa và tê tay, chân. Cứ 4 người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường sẽ có một người mắc bệnh thận. Nếu bạn bị tiểu đường, bác sĩ có thể xét nghiệm nước tiểu thường xuyên để kiểm tra albumin (một loại protein), để kiểm tra mức độ tổn thương thận.
Vấn đề ở tuyến tiền liệt
Bệnh viêm tuyến tiền liệt có thể giải phóng các tế bào bạch cầu, mủ hoặc dịch tiết, gây đục nước tiểu. Bệnh cũng có các triệu chứng khác như thường xuyên phải đi tiểu hoặc đau khi đi tiểu; tiểu ra máu; nóng rát; đau lưng, hông hoặc xương chậu; đau khi xuất tinh. Bạn nên đi khám, điều trị ngay khi có các triệu chứng nói trên.
Nhiễm trùng âm đạo
Viêm âm đạo là tình trạng nhiễm trùng âm đạo do nấm hoặc vi khuẩn, cũng có thể gây tiểu đục. Viêm âm đạo thường có các triệu chứng khác kèm theo như đi tiểu đau, chảy máu và kích ứng âm đạo, tăng tiết dịch, có mùi. Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng và nguyên nhân gây viêm âm đạo, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc kem bôi.
Chi Lê (Theo Everyday Health)