Sỏi thận là bệnh lý phổ biến ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 60. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh không gây nguy hiểm, nhưng ngược lại có thể dẫn đến nhiều biến chứng.
BS.CKII Nguyễn Lê Tuyên, Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết sỏi được hình thành khi nước tiểu chứa nhiều chất tạo tinh thể như canxi, oxalat và axit uric hơn chất lỏng. Bên cạnh đó, khi môi trường nước tiểu thiếu chất ngăn cản các tinh thể kết dính với nhau sẽ tạo điều kiện cho sỏi thận hình thành.
Sỏi thận có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:
Tắc nghẽn đường tiết niệu: Sỏi ở bể thận và đài thận trôi xuống niệu đạo, niệu quản gây tắc nghẽn đường tiết niệu. Tình trạng này làm cho nước tiểu không thể chảy từ thận đến bàng quang để thoát ra ngoài, ứ đọng tại thận, gây ra hiện tượng són tiểu, tiểu rắt, tiểu buốt. Tắc nghẽn đường tiết niệu kéo dài có thể gây suy thận không thể hồi phục vì nước tiểu sẽ chảy ngược lại vào niệu quản và thận.
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Sỏi thận có nhiều hình dáng, kích thước khác nhau. Những viên sỏi có kích thước từ 5mm trở lên khi di chuyển sẽ gây ra cọ xát vào đường tiết niệu. Về lâu dài, tình trạng này có thể gây phù nề niêm mạc, sưng viêm và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm đường tiết niệu. Khi bệnh phát triển đến giai đoạn nhiễm trùng thì việc điều trị sẽ khó khăn và phức tạp hơn.
Viêm bể thận cấp: Tắc nghẽn đường tiết niệu do sỏi thận có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính ở các đài thận, bể thận, niệu quản. Nếu nhiễm khuẩn bể thận nặng sẽ gây cơn viêm bể thận cấp. Các triệu chứng xảy ra đột ngột và nguy cấp như sốt cao, đau hông dữ dội, nước tiểu có mủ... Nếu có các dấu hiệu trên, người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay.
Ứ mủ bể thận xảy ra khi tình trạng viêm bể thận không được điều trị kịp thời. Đây là một biến chứng cấp cứu nội khoa nặng, có thể nhanh chóng hủy hoại nhu mô thận. Bên cạnh các biểu hiện của viêm bể thận cấp, ứ mủ bể thận còn các các triệu chứng như thận sưng to, sờ có cảm giác đau tức.
Thận ứ nước: Sỏi ở đài thận có thể gây ứ nước một phần thận, còn sỏi ở niệu quản gây ứ nước toàn thận và niệu quản. Khi ứ nước kéo dài sẽ làm thận bị giãn rộng, nếu tình trạng này kéo dài hơn 6 tuần thì nhu mô thận khó có thể phục hồi, dù đã phẫu thuật thận. Nguy hiểm hơn, tình trạng ứ nước và tắc nghẽn còn làm tăng áp lực lọc, từ đó tăng prostaglandin (các acid béo không bão hòa ở các mô) gây co mạch thận, làm thận thiếu máu, nhiều ống thận sẽ bị teo và tủy thận bị hủy hoại.
Suy thận cấp và mạn tính: Tùy vào kích thước mà viên sỏi có thể thoát ra ngoài dễ dàng qua đường tiểu hoặc bị mắc kẹt lại tại đường tiết niệu, niệu đạo, niệu quản. Quá trình sỏi di chuyển sẽ cọ xát, làm niêm mạc ống thận bị tổn thương, gây nhiễm khuẩn thận và đường tiết niệu. Nếu nhiễm khuẩn nặng ở mức độ cấp tính có thể dẫn đến suy thận cấp tính. Đây là tình trạng sỏi tắc nghẽn hai bên niệu quản, gây ứ nước, thận không thể lọc và đào thải nước, muối, chất khoáng độc hại ra ngoài, hai bên thận bế tắc cùng lúc, nước tiểu không thoát ra, có thể dẫn đến tử vong trong vài ngày nếu không điều trị kịp.
Bác sĩ Tuyên cho biết, vì sỏi thận là một bệnh lý diễn biến âm thầm, nhiều người mắc bệnh có thể không nhận ra cho tới khi cơn đau quặn thận xuất hiện. Do đó, để phòng ngừa sỏi thận và các biến chứng nguy hiểm, người bệnh nên khám tổng quát định kỳ hoặc ngay khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như: đau rát sau khi tiểu, tiểu rắt tiểu són, tiểu ra máu, nước tiểu có màu hồng hoặc cặn trắng; đau lưng, đau dưới bụng, hông và mạn sườn; luôn có cảm giác buồn nôn, nôn ói, sốt, ớn lạnh... Tùy vào kích thước của viên sỏi mà bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp như uống thuốc để tống sỏi ra ngoài theo đường tiểu hoặc phẫu thuật can thiệp.
Phi Hồng