Tiểu ra máu là hiện tượng nước tiểu khi đào thải ra khỏi cơ thể có lẫn máu hoặc dịch màu hồng nhạt. Độ đậm của nước tiểu sẽ phụ thuộc vào loại tiểu máu mà người bệnh mắc phải và lượng hồng cầu (máu) bị rò rỉ vào trong nước tiểu.
TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết Niệu - Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, nếu tiểu ra máu không do bệnh lý thì có thể tự khỏi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu là dấu hiệu của bệnh thì cần được điều trị sớm. Những nguyên nhân đến từ bệnh lý gây ra hiện tượng tiểu ra máu gồm:
Viêm bàng quang: Là tình trạng viêm sưng cấp tính hoặc mạn tính ở bàng quang. Nhiễm khuẩn là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất, chiếm hơn 50% trường hợp viêm bàng quang. Ngoài những triệu chứng như tiểu rắt, tiểu buốt, viêm bàng quang có thể gây ra chảy máu, gọi là viêm bàng quang xuất huyết. Đây được xem là dấu hiệu của viêm bàng quang tiến triển nặng khiến bàng quang phù nề xuất huyết.
Nhiễm trùng: Vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang, thận, niệu đạo hoặc tuyến tiền liệt sẽ gây nhiễm trùng, viêm sưng. Khi tình trạng bệnh tiến triển nặng sẽ gây xuất huyết. Lượng máu này sẽ được đào thải chung với nước tiểu ra ngoài và gây hiện tượng tiểu ra máu.
Sỏi tiết niệu: Sỏi hình thành do những khoáng chất trong nước tiểu cô đặc và kết tinh lại. Sỏi xuất hiện bên trong cơ quan tiết niệu, phổ biến là bàng quang và thận. Một trong những triệu chứng của sỏi thận là tiểu ra máu. Đây là dấu hiệu lâm sàng khi khối sỏi ma sát với niêm mạc tiết niệu theo dòng nước tiểu. Sự va chạm này gây tổn thương niêm mạc, khiến niêm mạc chảy máu.
U bướu thận: U bướu thận là các khối u lành tính hoặc ác tính xuất hiện ở thận. Nếu u bướu lành tính sẽ không ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần phải lưu ý và điều trị bệnh càng sớm càng tốt.
Bên trong những khối u lành tính vẫn có khả năng cao xuất hiện các tế bào ác tính. Những tế bào này là nguyên nhân gây chèn ép các cơ quan khác khi phân chia và phát triển trong thời gian ngắn. Điều này tác động rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Khối u bướu thận ác tính sẽ không có dấu hiệu lâm sàng trong giai đoạn đầu. Khi vào giai đoạn nặng hơn, bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như tiểu ra máu, đau vùng thắt lưng, sút cân và thiếu máu nghiêm trọng.
Phì đại tuyến tiền liệt: Là một bệnh tiết niệu ở nam giới, gây tăng sinh lành tính của mô nền và tế bào niêm mạc tuyến hoặc phình to của tuyến tiền liệt. Tiểu ra máu là một trong những triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, những triệu chứng tiểu nhiều, tiểu gấp hay bí tiểu thường xảy ra phổ biến hơn.
Bệnh thận: Những bệnh lý về thận như viêm cầu thận hoặc viêm thận có thể gây tiểu ra máu ở người bệnh. Đối với viêm cầu thận, tiểu ra máu xảy ra do cầu thận suy giảm chức năng lọc máu, làm rò rỉ hồng cầu vào nước tiểu. Bệnh viêm thận và viêm bể thận cấp cũng có thể gây tiểu máu do viêm sưng.
Vô căn: Tiểu ra máu vô căn (không tìm ra nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây tình trạng tiểu ra máu) có thể xảy ra với những thành viên trong gia đình có người mắc bệnh thận kèm triệu chứng tiểu máu. Tuy nhiên, nếu các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng là âm tính thì bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Theo bác sĩ Hoàng Đức, có hai loại tiểu máu gồm tiểu máu vi thể và tiểu máu đại thể. Nếu tiểu máu đại thể có thể nhận thấy bằng mắt thường với triệu chứng điển hình là nước tiểu chuyển màu hồng nhạt hoặc đỏ thì người bị tiểu máu vi thể sẽ không thấy được máu trong nước tiểu của mình. Hơn nữa, hồng cầu của tiểu máu vi thể chỉ hiển thị dưới kính hiển vi khi xét nghiệm nước tiểu. Ngoài ra, nếu tình trạng tiểu ra máu kéo dài sẽ gây thiếu máu, suy giảm trầm trọng sức khỏe của người bệnh.
Do đó, người bệnh nên đi khám chuyên khoa Tiết niệu ngay khi phát triệu chứng bất thường ở nước tiểu. Thông qua các xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm nước tiểu, nội soi bàng quang... bác sĩ sẽ xác định chính xác nguyên nhân gây tiểu ra máu và có hướng điều trị phù hợp, hiệu quả.
Hoàng Trang