Đo đa ký giấc ngủ là phương pháp bác sĩ dùng thiết bị đặc biệt ghi lại các thông số sinh lý và những thay đổi liên quan khi người bệnh ngủ, trong một thời gian nhất định. Mục đích cung cấp đầy đủ thông tin về giấc ngủ cũng như các rối loạn khác xảy ra trong khi ngủ. Từ đó, bác sĩ chẩn đoán, xác định các nguyên nhân hay bệnh lý gây rối loạn giấc ngủ và chọn cách điều trị phù hợp. Thiết bị đo giấc ngủ gồm nhiều kênh điện cực được gắn vào các bộ phận cơ thể của người bệnh trong quá trình ngủ.
Ngày 13/6, BS.CK1 Hoàng Châu Bảo Đính, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh cho biết, kỹ thuật đo đa ký giấc ngủ ở trẻ và người lớn đều giống nhau, thông thường dùng 8 điện cực tiêu chuẩn. Tuy nhiên, bé Long có những cử động bất thường, co giật tay chân nghi động kinh khi ngủ, bác sĩ dùng phương pháp đo 21 điện cực để đánh giá toàn diện và chính xác bệnh. "Đây là trẻ đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được đo đa ký giấc ngủ với 21 điện cực", bác sĩ Đính nói.
Đo đa ký giấc ngủ với 21 điện cực bằng nón chuyên dụng giúp đánh giá đầy đủ thông số sinh lý xảy ra trong giấc ngủ. Cụ thể là dòng điện não (hoạt động của não bộ), dòng điện cơ đo hoạt động cơ bắp (như co bóp của các cơ), các chuyển động của mắt, nhịp tim, nhịp thở, nồng độ oxy trong máu, lưu lượng không khí qua miệng và mũi, âm thanh do ngáy.
Theo bác sĩ Đính, đo đa ký giấc ngủ cho trẻ em khó vì trẻ phải gắn nhiều điện cực lên cơ thể và ngủ lại bệnh viện một đêm. Các điện cực được gắn lên đầu trẻ thường khó khăn do vòng đầu nhỏ, trẻ ít hợp tác. Chỉ cần nhúc nhích, xoay đầu, trở mình khi ngủ cũng dễ làm rơi dây điện cực, gây nhiễu sóng, sai lệch thông tin. Nếu không có dụng cụ chuyên dụng hỗ trợ thì tín hiệu đo không đảm bảo.
Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ gắn 21 điện cực lên đầu bé bằng một chiếc nón chuyên dụng, không phải gắn riêng lẻ từng dây hoặc mấu điện cực vào đầu trẻ. Chiếc nón ôm vòng đầu vừa đủ chặt, không lo xộc xệch, nhiễu sóng. 21 dây điện cực được đấu dây, dán sẵn vào trong chiếc nón.
Sau khi khám, bé được đưa đến khu điều trị nội trú để chuẩn bị và làm quen trước với thiết bị. Điều dưỡng Nguyễn Thụy Vân Hà đo vòng đầu, chọn kích cỡ nón điện cực phù hợp. Nón có một đai đeo dưới cằm giống nón bảo hiểm để cố định trên đầu, không gây cấn hay bị lỏng. Nón điện cực có nhiều lỗ thoáng khí và nhiều lỗ gắn điện cực, vừa vặn, tạo độ êm cho bé dễ ngủ.
"Đo đa ký giấc ngủ cho trẻ thường tốn gấp đôi thời gian so với người lớn bởi cần chuẩn bị cho bé làm quen, giữ được máy đo suốt đêm", điều dưỡng Hà cho biết.
Đến tối, bé Long quay lại bệnh viện, điều dưỡng Hà đội nón điện cực lên đầu bé, thuyết phục "nếu sáng ngủ dậy không rớt dây điện cực nào sẽ tặng quà". Bé trò chuyện một lúc rồi chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, tất cả thông số được ghi nhận đầy đủ. Kết quả sóng não cho thấy bé không mắc động kinh trong khi ngủ, tình trạng giật tay chân do giật cơ lành tính. Bệnh này thường không nguy hiểm, các triệu chứng thường tự khỏi khi trẻ lớn, theo bác sĩ Đính.
Bác sĩ tư vấn dùng thuốc kiểm soát cơn co giật khi cần, giúp bé ngủ ngon hơn, cần theo dõi thêm tại nhà và tái khám định kỳ. Nếu phát hiện động kinh trong lúc ngủ, trẻ phải duy trì dùng thuốc chống động kinh trong thời gian khá dài và theo dõi mức độ đáp ứng. Sau mỗi năm, trẻ cần đo đa ký giấc ngủ lại một lần để bác sĩ điều chỉnh phù hợp nhất.
Đo đa ký giấc ngủ với đầy đủ sóng điện cực, điện não giúp kiểm tra các bất thường trong giấc ngủ. Phương pháp này được ứng dụng cho người lớn và trẻ em có dấu hiệu rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, hay quấy khóc, có những hành động bất thường như co giật, động kinh trong lúc ngủ, ngáy, ngưng thở khi ngủ.
Bình An
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |