Độ ẩm là thước đo lượng hơi ẩm có trong không khí. Độ ẩm tăng lên có thể gây kích ứng trực tiếp đường thở và làm tăng mức độ của các chất khác trong không khí gây kích ứng ống phế quản, chẳng hạn như phấn hoa và ô nhiễm.
Người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng hen suyễn trở nên trầm trọng hơn vào những ngày trời nồm, khi độ ẩm trong không khí tăng cao, bao gồm ho, thở khò khè, tức ngực... Người bình thường cũng có thể cảm nhận được tác động này ở mức độ nhẹ khi tập thể dục trong điều kiện ẩm ướt.
Nghiên cứu quy mô nhỏ đăng trên Tạp chí chuyên khoa về Hô hấp Mỹ đã tìm ra ảnh hưởng của thời tiết ẩm ướt đến phổi người bệnh như thế nào. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra sức cản đường thở, thước đo mức độ dễ thở ở 6 người mắc bệnh hen suyễn và 6 người không mắc bệnh. Sau khi tiếp xúc không khí ẩm (độ ẩm 75-80%) trong 4 phút, những người mắc bệnh hen suyễn có sức cản đường thở tăng 112%, trong khi ở nhóm khỏe mạnh chỉ tăng 22%.
Tại sao độ ẩm ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn?
Nhiều người mắc bệnh hen suyễn thấy rằng thời tiết ẩm ướt làm cho các triệu chứng của họ trở nên trầm trọng hơn. Đó là vì độ ẩm cao gây co thắt phế quản, làm hẹp đường thở.
Co thắt phế quản có thể xảy ra do không khí nóng, ẩm kích hoạt các sợi C, sợi thần kinh cảm giác trong đường thở. Kích thước sợi C có thể thu hẹp đường thở và gây ra ho, khó thở. Độ ẩm cao cũng tạo điều kiện cho nấm mốc và mạt bụi phát triển mạnh, tăng ô nhiễm không khí, đây đều là các yếu tố nguy cơ của bệnh hen suyễn.
Mức độ ẩm tăng lên cũng thường đi kèm với nhiệt độ cao hơn. Sự tăng lên đồng thời của nhiệt độ và độ ẩm có thể gây kích ứng đường thở, khiến việc thở trở nên khó khăn hơn.
Cách giảm triệu chứng bệnh hen suyễn khi trời nồm ẩm
Người bệnh có thể hạn chế các triệu chứng hen suyễn tăng nặng bằng cách:
Hạn chế ra ngoài vào những ngày ẩm ướt: Thường xuyên xem dự báo thời tiết tại nơi ở và kiểm tra độ ẩm không khí. Khi có khuyến cáo về những ngày độ ẩm tăng cao, hãy cố gắng ở trong nhà càng nhiều càng tốt.
Nhận biết các dấu hiệu bùng phát bệnh: Nhận biết các triệu chứng ngay khi cơn hen bùng phát mạnh như ho, thở khò khè, hụt hơi, tức ngực... Khi các triệu chứng bắt đầu, hãy tuân theo các chỉ định điều trị từ bác sĩ.
Dùng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh: Thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh giúp giãn và mở các cơ trong đường dẫn khí. Khi mức độ thu hẹp giảm, việc thở sẽ trở nên dễ dàng hơn, nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Kiểm soát độ ẩm trong nhà: Độ ẩm không chỉ tăng ở ngoài trời mà cũng có thể tăng lên bên trong nhà. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát độ ẩm trong nhà để giảm sự phát triển của nấm mốc, mạt bụi... Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, (EPA), mức độ ẩm lý tưởng nên duy trì trong nhà là khoảng 30-50%.
Bạn có thể giảm độ ẩm trong nhà bằng cách: mở cửa sổ trong phòng tắm khi tắm, sử dụng máy hút ẩm, máy lạnh ở chế độ khô (dry)...
Tránh tập thể dục ngoài trời: Tập thể dục ngoài trời vào những ngày trời nồm có thể dẫn đến kích ứng đường thở. Thay vào đó, hãy tập thể dục trong phòng tập, hồ bơi hoặc nơi nào khác có điều hòa nhiệt độ.
Kiểu thời tiết có lợi và có hại cho bệnh hen suyễn
Không có điều kiện thời tiết tối ưu cho những người mắc bệnh hen suyễn nhưng nhiều người thấy rằng nhiệt độ và điều kiện thời tiết ổn định sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng tốt hơn.
Một số người mắc bệnh hen suyễn thường bị kích thích ở nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng do tăng kích ứng đường thở. Nhiệt độ ôn hòa và độ ẩm thấp có thể làm giảm mức tác động này.
Các điều kiện thời tiết khác cũng có thể tác động không nhỏ đến người bệnh hen suyễn. Chất gây dị ứng và chất ô nhiễm trong không khí là hai trong số những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến các triệu chứng hen suyễn. Một số loại thời tiết có thể làm tăng ô nhiễm không khí và các chất gây dị ứng thông thường.
Các điều kiện thời tiết có nhiều khả năng gây ra bệnh hen suyễn nhất bao gồm:
Nhiệt độ quá cao: Khi nhiệt độ tăng cao, mức độ ô nhiễm cũng có thể tăng lên gây ra các triệu chứng hen suyễn.
Không khí khô, lạnh: Không khí khô, lạnh có thể gây kích ứng đường thở và dẫn đến co thắt phế quản. Trường hợp này thường dẫn đến các triệu chứng hen suyễn phổ biến bao gồm ho, thở khò khè và khó thở.
Điều kiện có gió: Các chất gây dị ứng phổ biến, chẳng hạn như phấn hoa, dễ phát tán rộng trong gió. Nếu có thêm mưa có thể dẫn đến sự gia tăng các bào tử nấm mốc. Cả phấn hoa và nấm mốc đều là những tác nhân phổ biến gây bệnh hen suyễn.
Thay đổi nhiệt độ nhanh chóng: Một số người cũng nhạy cảm với sự thay đổi nhanh chóng của điều kiện thời tiết, chẳng hạn như nóng hôm nay và lạnh ngay vào hôm sau.
Bảo Bảo (Theo Medical News Today)