Tự miễn dịch là nguyên nhân phổ biến gây phát ban ở người bệnh tuyến giáp. Một số người mắc bệnh này bị nổi mề đay mạn tính. Bệnh tự miễn dịch xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào và mô khỏe mạnh. Trong trường hợp bệnh tuyến giáp tự miễn, tuyến giáp là mục tiêu tấn công, dẫn đến suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém) hoặc cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) kèm theo nổi mề đay.
Nổi mề đay phổ biến ở những người bị viêm tuyến giáp Hashimoto - một bệnh tự miễn gây suy giáp. Ngoài ra, một số bệnh tuyến giáp như bệnh Graves, viêm tuyến giáp không đau, viêm tuyến giáp sau sinh... cũng có thể gây nổi mề đay.
Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto: Viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh tuyến giáp tự miễn phổ biến. Phát ban mạn tính trong trường hợp này xảy ra khi bệnh ở giai đoạn cận lâm sàng. Không phải tất cả người mắc bệnh tuyến giáp Hashimoto đều bị nổi mề đay. Các yếu tố môi trường hoặc di truyền có thể góp phần làm tăng nguy cơ cho người bệnh.
Bệnh Graves: Hệ thống miễn dịch tấn công tuyến giáp mạnh hơn, dẫn đến việc sản xuất quá mức hormone tuyến giáp. Nổi mề đay do bệnh Graves xảy ra ở cổ đầu tiên, sau đó lan đến các bộ phận khác.
Viêm tuyến giáp không đau: Đây là một dạng biến thể của viêm tuyến giáp Hashimoto, đặc trưng bởi chức năng tuyến giáp hoạt động quá mức. Bệnh cũng gây nổi mề đay nhưng ít rõ ràng, tự biến mất trong 5-7 giờ.
Viêm tuyến giáp bán cấp: Bệnh xảy ra do nhiễm virus, người bệnh có biểu hiện đau vùng trán, sốt và các triệu chứng của tuyến giáp hoạt động quá mức.
Viêm tuyến giáp sau sinh: Phụ nữ mang thai dễ bị viêm tuyến giáp. Tình trạng này có thể dẫn đến cường giáp trước, sau đó chuyển thành suy giáp. Nổi mề đay do viêm tuyến giáp sau sinh thường thoáng qua, khi chức năng tuyến giáp trở lại bình thường và các triệu chứng nổi mề đay sẽ tự hết.
Phát ban liên quan đến bệnh tuyến giáp tương tự như phát ban do các nguyên nhân khác. Bệnh có xu hướng phát triển nhanh và xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể. Hầu hết các trường hợp phát ban có xu hướng biến mất trong vòng vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào nguyên nhân. Một số trường hợp, nổi mề đay liên quan đến chứng rối loạn tuyến giáp tự miễn có khả năng trở thành mạn tính.
Các triệu chứng của mề đay mạn tính bao gồm: nổi mẩn đỏ trên da, ngứa nhẹ hoặc nghiêm trọng gây ra cảm giác châm chích, bỏng rát. Phát ban ngứa này có thể xảy ra ở cổ, ngực, lưng, mặt và mông. Một số triệu chứng da khác có thể xảy ra kèm với nổi mề đay do suy giáp như nốt đốm đổi màu, tay chân lạnh, da khô, nức. Nổi mề đay do cường giáp có thể dẫn đến một số triệu chứng như: đỏ mặt, đỏ lòng bàn tay, đổ mồ hôi quá nhiều ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, da mỏng, mềm và sáng bóng...
Nổi mề đay thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này trở nên mạn tính và liên quan đến tình trạng tuyến giáp, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và có phương pháp quản lý thích hợp. Trường hợp nổi mề đay nghiêm trọng đi kèm với phát ban đột ngột, khó thở, thở gấp, nhịp tim nhanh bất thường, choáng váng hoặc ngất xỉu, sưng môi mặt hoặc cổ họng... người bệnh cần đi khám càng sớm càng tốt, tránh biến chứng.
Anh Chi (Theo Very Well Health)