BS.CKII Trương Thị Vành Khuyên, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường. Người bệnh tiểu đường type 2 ăn uống phù hợp góp phần kiểm soát đường huyết, hạn chế biến chứng.
Dưới đây là một số sai lầm mà người tiểu đường nên lưu ý để thay đổi.
Ăn nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn
Nhóm thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói, kẹo, nước ngọt, bánh ngọt, trà sữa, ngũ cốc có đường thường chứa nhiều đường, chất bảo quản, dễ làm lượng đường trong máu tăng cao.
Người tiêu thụ nhiều các thực phẩm này có nguy cơ cao béo phì, làm trầm trọng hơn tình trạng kháng insulin. Người bình thường cũng có khả năng mắc bệnh tiểu đường type 2 nếu thường xuyên sử dụng.
Dùng thực phẩm chứa tinh bột không lành mạnh
Tinh bột tinh chế (qua nhiều bước chế biến) như bánh mì trắng, gạo trắng, bánh ngọt làm mất đi chất dinh dưỡng và chất xơ trong quá trình chế biến. Những tinh bột này dễ chuyển hóa thành glucose (đường) khi ăn, khiến lượng đường huyết tăng nhanh chóng. Người tiêu thụ chúng trong thời gian dài dễ tăng cân, kháng insulin.
Ưu tiên các loại tinh bột phức hợp còn nguyên hạt như gạo lứt, gạo nguyên cám, bắp, các loại đậu... vì giúp ổn định lượng đường trong máu, giảm nguy cơ kháng insulin.
Ít chất xơ
Chế độ ăn ít chất xơ ảnh hưởng xấu đến lượng đường huyết và độ nhạy của insulin. Các món ăn giàu chất xơ như rau, đậu, làm chậm quá trình hấp thụ glucose, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Ăn quá nhiều
Lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày cao hơn nhu cầu cơ thể dẫn đến tăng cân, béo phì khiến bệnh tiểu đường thêm trầm trọng do kháng insulin. Điều này cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở người bình thường.
Bỏ bữa sáng
Bỏ bữa sáng có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến đường huyết. Người bệnh tiểu đường không ăn sáng hay bỏ bữa làm tăng nguy cơ kháng insulin. Không ăn sáng có thể dẫn đến ăn bù quá nhiều trong các bữa ăn sau làm ảnh hưởng đến độ nhạy của insulin theo thời gian.
Tiêu thụ nhiều chất béo
Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa là yếu tố làm giảm độ nhạy của insulin, tăng nguy cơ viêm trong cơ thể. Những chất béo này thường có trong thực phẩm chế biến sẵn, chiên rán, thức ăn nhanh, mỡ động vật. Người bệnh tiểu đường có thể chọn loại chất béo tốt cho cơ thể thường có trong dầu ô liu, quả bơ, đậu phộng, các loại hạt.
Uống rượu bia
Uống rượu bia dù là lượng nhiều hay ít cũng dễ làm tăng đường huyết, tăng cân.
Ăn khuya
Người bệnh tiểu đường hay người bình thường cũng đều nên dùng bữa tối trước 20h. Bữa tối thịnh soạn và ăn muộn khiến hệ tiêu hóa không có thời gian làm việc, tạo gánh nặng cho gan, làm chậm quá trình trao đổi chất, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, tăng đường huyết.
Thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao
Những món ăn có chỉ số đường huyết cao là nguyên nhân khiến đường huyết tăng đột biến. Người bệnh tiểu đường có thể kiểm tra GI của thực phẩm và cân đối trước khi tiêu thụ.
Một số thực phẩm có chỉ số GI thấp (dưới 52) như đậu phộng (14), ổi (16), đậu tương (18), đậu nành (18), đậu gà luộc (28), các loại rau xanh và lúa mạch (31), khoai từ luộc (37), bánh ướt (38,7), miến đậu xanh (39), hạt đậu (49), cà rốt (49), sắn (50), bún tươi (51,2).
Ngoài tránh sai lầm trong ăn uống, bác sĩ Khuyên khuyến cáo người tiểu đường cần tập luyện thể dục thường xuyên mỗi ngày ít nhất 30 phút để điều trị bệnh tốt hơn. Kiểm soát căng thẳng, lo âu bằng cách dành thời gian thư giãn, nghe nhạc, ngồi thiền giúp tránh tăng đường huyết do căng thẳng.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |