Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn... gần như là việc mà bất cứ một nhân viên đi làm nào cũng phải hoàn thành trước khi cầm được tiền lương trên tay. Nói về bảo hiểm xã hội, đây là khoản quyền lợi của mỗi cá nhân sẽ được hưởng khi bị thất nghiệp hay sau khi về hưu, có thể nói gọn là khoản tích lũy.
Còn bảo hiểm y tế thì gần như ai cũng đóng nhưng đây đó vẫn gây phiền hà từ hồ sơ, thủ tục, quy trình, mà còn khiến chính người sử dụng nhận phải những ánh nhìn thiếu thiện cảm của một bộ phận không nhỏ nhân viên y tế. Thậm chí, nhiều y bác sĩ còn có thái độ phục vụ như thể bệnh nhân đó mang lại bao rắc rối, khó khăn cho họ.
Và câu chuyện vừa xảy ra cách đây vài ngày mà tôi chứng kiến được của người đàn ông ngụ tại Bình Tân, TP HCM, khi đưa con gái đầu lòng đến khám chữa ở một bệnh viện gần nhà cũng là một trường hợp như thế. Chế độ hiện tại dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Điều đương nhiên là dù bệnh nhân là người lớn hay trẻ em thì việc khám chữa bệnh theo diện có BHYT sẽ tiết kiệm, giảm được rất nhiều chi phí cho bệnh nhân. Nhưng thực tế tấm thẻ đó chỉ giúp người bệnh được hoàn lại một phần rất nhỏ tiền khám, cũng như lĩnh một lượng thuốc men ít ỏi.
Chuyện là sau khi việc khám chữa bệnh xong xuôi cho con, anh đi thuốc theo toa của bác sĩ thì mới nhận thấy sự kỳ lạ. Tuy anh không hiểu biết về y dược, thuốc men, nhưng vẫn nhận ra một vấn đề bất bình thường là có đến hai toa thuốc khác nhau: một do bệnh viện cấp (diện BHYT), toa còn lại thì anh phải mua bên ngoài. Đem thắc mắc hỏi nhân viên y tế, anh nhận được câu trả lời của người phát thuốc rằng: "Bệnh viện hết loại thuốc đó, người bệnh phải tự đi mua".
Theo thói quen của hầu hết người bệnh khi đi khám chữa theo diện BHYT là khi một số loại thuốc ở bệnh viện không có hoặc hết, họ sẽ tự động ra ngoài bệnh viện mua bằng tiền túi. Họ không biết đến những quyền lợi chính đáng mà mình có thể được nhận khi tham gia BHYT, để rồi luôn chịu thiệt thòi mà không hề hay biết. Cũng phải thôi, vì nhưng quyền lợi đó đâu có được phổ biến rộng rãi. Nếu người phát thuốc đó không chịu chia sẻ thông tin đến bệnh nhân thì đâu ai biết mà làm thủ tục thanh toán bảo hiểm.
Vậy câu hỏi được đặt ra là cái toa thuốc mua ngoài đó có được BHYT thanh toán không? Câu trả lời là "có" nhưng loại thuốc đó phải nằm trong danh mục được quy định thì mới được hoàn tiền và kèm theo chứng từ hợp lệ thì mới được thanh toán. Có lẽ không nhiều người ở đây biết đến thông tin này.
Như trường hợp của người cha nói trên, do cảm thấy có điều gì đó không ổn nên sau khi về nhà, anh đã gọi điện thoại cho các cơ quan có liên quan để hỏi về vấn đề toa thuốc mua ngoài ấy có được BHYT thanh toán lại không và nhận được phản hồi như thế. Nếu biết điều này sớm hơn thì có lẽ gia đình anh đã tiết kiệm được khá nhiều tiền chi phí chữa bệnh cho con. Và ngoài kia, còn biết bao người bệnh cũng ở vào tình cảnh tương tự?
Nguyễn Tấn Lộc
>> Bạn có gặp phải tình huống tương tự? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.