Tôi rất đồng tình với những chia sẻ của bác sĩ Trần Văn Phúc trong bài viết "Giá 'khám giáo sư'". Đúng là thực tế, tâm lý chung của người bệnh là luôn muốn được khám chữa bởi các bác sĩ giỏi nhất, có chức danh cao nhất. Họ mặc định, học hàm, học vị càng cao là một bảo chứng cho việc tìm ra và chữa khỏi bệnh, nên bằng mọi giá phải đăng ký khám giáo sư cho yên tâm, bất kể bệnh nặng hay nhẹ.
Cũng chính vì điều này mà nhiều bệnh viện đã lợi dụng để mở ra dịch vụ khám giáo sư, phó giáo sư, với giá cao gấp chục lần khám bác sĩ thường. Các bệnh viện cũng tranh thủ quảng cáo dịch vụ khám giáo sư nhiều nhất có thể thay vì tư vấn theo đúng chuyên môn để người bệnh có một lựa chọn phù hợp nhất. Mục đích chính là để thu lợi nhuận tối đa chứ không phải đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên hết.
Chính gia đình tôi cũng từng là nạn nhân của dịch vụ khám giáo sư theo kiểu này. Chuyện là cách đây 15 năm, vợ tôi phát hiện bị ung thư vú giai đoạn đầu. Theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về ung bướu, vợ tôi sẽ phải làm phẫu thuật để cắt bỏ khối u.
Tuy nhiên, do thời gian này đã cận Tết Nguyên đán, nên bác sĩ khuyên chúng tôi cứ về ăn Tết ở nhà, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng cho thoải mái về tinh thần và thể chất, rồi sau Tết quay lại bệnh viện để phẫu thuật. Bác sĩ giải thích rằng đây là giai đoạn đầu, bệnh tình vẫn chưa đáng lo ngại nên không cần quá lo lắng.
Thế nhưng, vì tâm lý bất an, muốn được chữa bệnh sớm, vợ tôi nghe được một lời giới thiệu đến bệnh viện khác đầu ngành tại thành phố, để gặp một vị giáo sư chuyên xử lý bệnh ung thư. Vị giáo sư sau đó thăm khám lại từ đầu cho vợ tôi và yêu cầu phải phẫu thuật ngay. Ông cũng khẳng định sẽ trực tiếp thực hiện ca mổ cho vợ tôi.
Ca phẫu thuật sau đó được tiến hành và theo lời của vị giáo sư là "thành công tốt đẹp". Vị này còn khẳng định với gia đình tôi: "Khối u mới chỉ bằng hạt đậu xanh, đã xử lý tận gốc rễ, và bệnh chắc chắn sẽ khỏi". Ngoài ra, ông yêu cầu vợ tôi tiếp tục hóa trị thêm sáu liều thuốc nữa và cứ sáu tháng một lần phải đến phòng mạch của giáo sư để kiểm tra định kỳ.
Tin tưởng vào lời của vị giáo sư, vợ chồng tôi yên tâm theo đúng phác đồ điều trị và không mảy may suy nghĩ gì tới bệnh nữa. Nhưng bốn năm sau, vợ tôi bắt đầu thấy những biểu hiện bất thường: sụt cân và đau nhức xương khớp. Thấy không ổn nên vợ tôi quyết định đến phòng mạch của giáo sư để khám lại. Nhưng sau một hồi khám xét, vị giáo sư kêu vợ tôi sang bệnh viện để kiểm tra kỹ hơn. Kết quả khiến chúng tôi sửng sốt: ung thư vú không những không khỏi mà nay đã di căn sang xương.
Hoang mang quay trở lại bệnh viện Ung bướu để khẳng định lại bệnh tình, các bác sĩ tại đây kết luận vợ tôi "đã lỡ mất thời cơ vàng để trị bệnh". Tôi muốn kể lại câu chuyện này của mình không phải để oán trách ai cả vì tất cả đều là quyết định ở chúng tôi. Điều tôi muốn nói ở đây là đưa ra một bài học đắt giá để mọi người rút kinh nghiệm cho chính mình.
Thực tế, không phải cứ mấy vị học cao là đã có kinh nghiệm khám chữa bệnh bằng bác sĩ chuyên khoa có học vị bình thường. Đôi khi những người thường xuyên trực tiếp khám chữa bệnh lại có những chẩn đoán, quyết định chính xác hơn những giáo sư cả năm ngồi bàn giấy, nghiên cứu khoa học. Mong rằng người Việt sẽ thay đổi quan niệm cố hữu về chuyện "khám giáo sư" để không phải hối hận như tôi bây giờ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.