Đọc bài viết "Bác sĩ chạy trốn", cùng một số bình luận không mấy thiện cảm với người làm ngành y, tôi nhận ra khi bạn đã có ác cảm sâu sắc rồi thì khó có thể nhìn nhận một cách công bằng được.
Hàng triệu lượt bệnh nhân được cứu sống, được chữa trị nhưng đâu phải ai cũng có nhiều tiền. Họ cơ bản vẫn nhờ bảo hiểm y tế và bệnh viện công đó thôi. Người nhà tôi cũng mổ hơn sáu năm nay. Khi mổ, khi tái khám, khi lấy thuốc... hầu như chẳng thấy bác sĩ, nhân viên nào làm phiền cả, vẫn hưởng bảo hiểm 100%. Thậm chí, tôi còn thấy họ được khen nức nở bởi một bệnh nhân đã trên 80 tuổi.
Đúng là vẫn còn đó một vài thái độ chưa đúng của đội ngũ y bác sĩ, rất đáng chê trách. Nhưng đôi khi, bệnh nhân và người nhà thường quá nhạy cảm nên nhìn sự việc bị quá lên. Còn tôi, bố mẹ già, con nhỏ, bản thân đi viện vài lần, khám tư, khám công đủ cả nên cũng nhìn thấy tương đối nhiều chuyện chướng mắt.
Một số nhân ý thức rất kém trong khi chờ, khám và nằm điều trị. Có những bệnh nhân trình độ nhận biết yếu, già cả nghễnh ngãng gây rất nhiều mệt mỏi cho đội ngũ y tế. Lại có những bệnh nhân cứ coi mình là trung tâm, đi bệnh viện mà cứ như đi vào cửa hàng mua đồ hiệu vậy. Vẫn biết nghề nào nghiệp nấy, nhưng những nghề như y tế thì rất cần những sự đồng cảm của mọi người.
>> Bác sĩ phán tôi bị 'xơ gan giai đoạn cuối' dù sức khỏe bình thường
Ở chỗ tôi có một bệnh viện tư, nhiều bệnh nhân nằm điều trị sốt xuất huyết. Vì viện phí cao nên dịch vụ rất đầy đủ. Nhưng khi bệnh trở nặng, người ta lại phải chuyển sang Bệnh viện đa khoa thành phố. May mà cấp cứu kịp thời nên qua khỏi. Tôi cho rằng không phải lúc nào viện tư cũng hơn viện công. Được cái này thì mất cái kia.
Cũng có người đổ lỗi thái độ chưa đúng mực (chửi bới, hành hung) của bệnh nhân và người nhà với đội ngũ y bác sĩ là do giáo dục. Có lẽ đứa trẻ lên ba cũng biết sự cần thiết của giáo dục. Vậy nên nước nào, gia đình nào cũng đặt giáo dục lên hàng đầu. Nhưng tại sao cũng gia đình ấy, nền giáo dục ấy, pháp luật ấy mà đa số người tốt, chỉ có lòi ra vài người xấu?
Xin thưa đó là thuộc bản tính ích kỷ, thói ngang ngược, bắt người ta phục vụ mình vô điều kiện. Những người này không bộc lộ bản tính chỗ này thì chỗ khác, không sự việc này thì sự việc khác. Nhiều người ăn học, bằng cấp, thậm chí còn "đứng lớp" dạy người khác nhưng vẫn xử sự thiếu văn hóa như thường.
Đúng là chúng ta còn nhiều thứ yếu kém so với nước ngoài. Nâng cao giáo dục và pháp luật là điều tối cần thiết. Nhưng người nhận thức, tuân thủ theo pháp luật mới là điều quan trọng hơn. Chứ đừng biết sai mà vẫn làm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.