Cả cuộc đời này, tôi sẽ không bao giờ quên lần sinh nở đi vào cửa tử và chuyện mình đã may mắn thoát chết như thế nào? Tôi lập gia đình không bao lâu thì có thai. Thai của tôi yếu, nên tôi xin nghỉ ở nhà dưỡng thai đến tận 12 tuần. Sau khi thai ổn, hơn tôi mới đi làm lại. Tôi chuyển nhà đến sát nơi làm việc, chỉ cách khoảng 500 mét để tiện cho việc đi lại hơn.
Mọi việc suôn sẻ cho đến tuần thứ 28. Đêm ấy, tôi ngủ ngon hơn bình thường. Buổi sáng thức giấc, tôi nghe bụng mình kêu ọc một cái. Tôi hốt hoảng đi vào nhà vệ sinh thì tháy một vết máu đỏ tươi trào ra. Tôi hớt hải gọi chồng dậy rồi lên xe đến một bệnh viện có tiếng của tỉnh, cách nhà 50 km. Tôi nằm điều trị tại phòng cấp cứu khoảng hai ngày thì máu không còn ra máu nữa. Tôi dự định xin về để lên bệnh viện Từ Dũ khám kiểm tra vì bản thân đã theo dõi thai kỳ tại đây. Nhưng chồng tôi không sao xin xuất viện được vì chưa hết lộ trình điều trị.
Sang đêm thứ ba, tôi bị tiền sản giật. Buổi tối, ăn uống xong, tôi đi ngủ như bình thường, nhưng thấy trong bụng khó chịu vô cùng, không sao ngủ được. Hôm ấy, chồng thấy tôi khỏe lại nên về nhà dì ở gần đó để nghỉ ngơi. Trớ trêu sao điện thoại lại hết pin nên tôi không thể gọi được. Tôi cố đến một giờ sáng thì chịu hết nổi, phải lết đi tìm y tá. Cô y tá đi tìm thai, độ gò tử cung xong thấy bình thường và lại kêu tôi về phòng cấp cứu.
>> 'Vô cảm vì cứu bệnh nhân đột quỵ trước bệnh nhi hóc dị vật'
Đến hai giờ sáng, tôi lại phải tìm bác sĩ vì đau bụng và khó thở vô cùng. Cô y tá gọi bác sĩ trực tới xem bệnh. Tôi còn nhớ, vị bác sĩ vào phòng với vẻ mặt buồn ngủ và hỏi tôi đau chỗ nào? Xong, ông bảo cô y tá lấy thuốc đau bao tử cho tôi uống, kèm thêm một câu gọn lỏn: "Có vậy cũng gọi tôi". Bốn giờ sáng, tôi chịu hết nổi, cố tìm cách liên lạc với chồng nhưng không được. Tôi đành gọi về cho ba mẹ chồng và chị gái. Mọi người tức tốc chạy vào bệnh viện.
Sáu giờ sáng, khi mọi người vào đến nơi thì cũng là lúc tôi được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Bảy giờ, tôi được đưa đi siêu âm. Khi lên bàn siêu âm, người tôi lạnh toát, run bần bật. Cả buổi sáng ấy, với sự can thiệp của các bác sĩ khác nhau, tôi được cho uống mấy lần thuốc các loại. Khi cảm thấy đỡ hơn, tôi quyết định xuất viện bằng được để tới bệnh viện Từ Dũ. Nhưng khi xin xuất viện, vị bác sĩ cảnh báo: "Cái này là gia đình tự xin đi, không phải bệnh viện không điều trị được".
Tôi lên bệnh viện Từ Dũ lúc bốn giờ chiều, vào nằm phòng cấp cứu. Siêu âm xong, bác sĩ gọi chồng tôi vào nói chuyện, bảo rằng phải mổ gấp vì nhau thai đã bị bong ra, mổ để cứu mẹ, chứ em bé không chắc cứu được nữa. Lần đầu tiên mang thai, mà tự nhiên bị kêu mổ đẻ lúc mới 28 tuần, tôi bị sốc nặng. Nước mắt tôi trào ra, kiên quyết không cho mổ vì sợ mất con, còn mẹ chồng và chồng tôi chỉ biết khóc.
Lúc lên phòng mổ, cô bác sĩ trấn an tôi giữ sức. Thuốc mê ngấm, tôi chìm vào giấc ngủ, chỉ thấy mơ hồ nghe thấy tiếng em bé khóc. Thấy chồng tôi khóc quá, bác sĩ đặc cách cho anh gặp con được hai lần. May mắn, tôi đi kịp lúc nên cứu được cả mẹ lẫn con, nếu chần chừ thêm một xíu nữa thôi, không biết sẽ thế nào. Con tôi điều trị hai tháng tại bệnh viện Nhi Đồng 1 rồi được về. Nay, bé đã vào lớp một, trộm vía khỏe mạnh, bình an.
Thế đấy, thực tế có rất nhiều thủ tục nhiêu khê nơi bệnh viện tuyến dưới. Chính nó đã ít nhiều cướp đi cơ hội chữa bệnh của nhiều người. Tôi không chê bác sĩ nơi tuyến tỉnh, huyện và xã là kém. Nhưng rõ ràng, có những khi họ chẩn đoán bệnh chưa chính xác, nhìn kết quả siêu âm chưa đúng, dẫn tới những quyết định sai lầm.
Lại nhớ trường hợp của cháu tôi, từng bị đau bụng do bị vi khuẩn HP. Nhưng trong đêm, bác sĩ lại bảo khối u to lắm, yêu cầu phải chuyển lên bệnh viện tỉnh càng sớm càng tốt. Một giờ đêm, cháu đến bệnh viện Nhi Đồng siêu âm thì chẳng thấy khối u nào. Cả gia đình được một phen hú hồn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.