Tôi làm việc trong môi trường bệnh viện công đã lâu. Điều tôi nhận thấy sau nhiều năm làm chuyên môn, đó là nhiều người theo nghề Y ban đầu không phải vì tiền lương, và lý do họ rời khỏi ngành cũng không phải vì đãi ngộ quá thấp.
Lúc còn là sinh viên Y khoa, tôi vẫn nghĩ đây là một nghề cao quý, dù lúc đó bản thân còn chẳng biết thu nhập của bác sĩ là bao nhiêu, có "đủ sống" hay không? Rồi khi vào nghề, đi làm chính thức, tôi mới nhận ra những tháng ngày sinh viên cũng chỉ cực thua đi làm một chút thôi. Sáu năm đại học, trong đó hết bốn năm phải ngủ ở hành lang, ghế xếp, nên khi đi làm chính thức, được leo lên giường trực (giường tầng) để ngả lưng trong đêm trực, với tôi tốt hơn nhiều cái thời đi học.
Nhiều người nghĩ người chọn nghề Y nhưng tôi nghĩ chính nghề Y mới chọn bạn. Vì nghề chọn mình nên nghề cho tôi sức mạnh để đi tiếp, chứ nhiều khi nhìn lại, sức đâu mà làm việc căng thẳng 30 giờ liên tục ở bệnh viện. Nếu hỏi mười người làm nghề này có muốn cho con mình học Y để nối nghiệp không, tôi dám cá có tới chín người sẽ nói "không" và một người còn lại cho con mình tự chọn chứ cũng chẳng định hướng.
Vì sao lại như vậy? Vì vất vả? Vì lương thấp? Tôi nghĩ không hẳn. Làm nghề Y ở nước ngoài hay Việt Nam đều có những khía cạnh sáng - tối như bao nghề khác. Do cách chúng ta nghĩ bao đời nay "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" đã ăn sâu vào tiềm thức và chính những sinh viên mới ra trường đã được các tiền bối dạy cho cách "sống sao cho hợp ý mình" hơn là "hợp lý hay hợp tình", nên vô tình khiến người ta mất dần tình yêu trong sáng với nghề.
>> Bác sĩ khám bệnh kiểu 'đọc phim kê đơn thuốc'
Tôi từng chứng kiến một người bệnh bỏ điều trị suốt ba tháng vì nhà quá nghèo, không lo nổi tiền đi tái khám. Nhưng khi lên đến bệnh viện, họ lại dúi vào tay bác sĩ 50.000 đồng gọi là quà. Trong khi đó, những người bệnh giàu hơn sẵn sàng dùng 100.000 đồng để ai đó khám, lấy máu cho mình sớm hơn mấy người nghèo kia. Tất nhiên đó là thời xưa, còn ngày nay tình trạng này hầu như không còn nữa, tất cả đã có quy trình và đảm bảo công bằng cho tất cả.
Tôi thích suy nghĩ của tác giả bài viết "Không ai ép bạn phải làm bác sĩ lương thấp". Hãy mạnh mẽ bước ra nếu bạn thấy cần thay đổi. Nên như vậy, nên đổi mới tư duy và cho ngành Y một làn gió mới với tư duy mới và những con người mới. Nghề nào cũng có vai trò trong "ngôi nhà chung" - xã hội. Có nghề đóng vai mái nhà, nghề kia đóng vai cột nhà, nhưng đừng quên những nghề giữ vai trò móng nhà (không phải ai cũng nhìn thấy).
Bạn không thể thay đổi mình để sống vì nghề, vậy hãy thay đổi nghề để sống vì mình. Cũng đừng nghĩ nghề của mình cực khổ nhất, vì khi rời khỏi ngành Y, bạn sẽ thấy nhiều nghề khác thậm chí còn khổ hơn. Quan trọng là bạn hãy có tâm khi làm nghề dù đó là nghề gì, hãy yêu nghề để nghề cũng yêu mình, và để bản thân luôn tâm niệm "nghề là nghiệp".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.