Tình trạng chung hiện nay tại các bệnh viện công trên địa bàn thành phố là nơi nào cũng đông nghẹt người đến khám chữa bệnh mỗi ngày. Trong khi đó các trung tâm, trạm Y tế địa phương luôn trong cảnh vắng vẻ, đìu hiu.
Tôi chăm sóc người nhà điều trị trong bệnh viện, khi nhìn ra khu vực đăng ký khám bệnh theo BHYT, hàng dài người khám bệnh đã tập trung ở đó từ lúc ba giờ sáng. Nhìn cảnh chen chúc, vạ vật ấy, tôi thấy vô cùng ái ngại. Sao bệnh nhân nhiều thế? Liệu bác sĩ có đủ sức khỏe và thời gian để khám hết cho từng ấy người bệnh không? Bệnh nhân và người nhà của họ có thể an toàn trở về mà không bị lây nhiễm hay đối mặt với những rủi ro trên đường không? Những câu hỏi ấy cứ quanh quẩn trong tâm trí tôi.
Bệnh viện đông nghẹt người nhưng phần lớn trong số đó là tái khám. Nói tái khám vậy thôi, chứ thực tế là họ đến lấy thuốc uống định kỳ cho những bệnh điều trị dài hạn. Khi vào tái khám, thông thường các bác sĩ chỉ hỏi bệnh nhân "uống thuốc có ổn không?", nếu có tiến triển thì bác sĩ sẽ tiếp tục kê lại đơn thuốc cũ. Người bệnh sau đó sẽ nhận đơn và đi lấy thuốc. Việc này nghe qua khá đơn giản nhưng cũng mất mấy tiếng đồng hồ.
Bệnh nhân uống thuốc điều trị bệnh dài hạn có yêu cầu cấp thuốc một lúc cho vài tháng, nhưng bệnh viện từ chối vì Luật đã quy định, và thậm chí là thuốc cấp chỉ uống được trong hai tuần đến một tháng. Sau khoảng thời gian đó, người bệnh lại phải đến bệnh viện lần nữa. Theo những gì tôi được biết, việc không cấp thuốc uống trong nhiều tháng để tránh tình trạng bệnh nhân đem thuốc đi bán, đồng thời cũng là để bác sĩ kiểm tra xem thuốc kê có hiệu quả với bệnh với những người đã hợp với thuốc, đã uống ổn định trong thời gian dài, liệu có cần phải áp dụng quy định này.
>> 'Cò' bệnh viện cướp chỗ bệnh nhân
Một câu hỏi được đặt ra là các trung tâm Y tế địa phương cũng thuộc quản lý của nhà nước, với những bệnh nhân đã khám, xác định bệnh và cần uống thuốc định kỳ trong nhiều tháng, nhiều năm, tại sao không chuyển danh sách những bệnh nhân này về địa phương để nhận thuốc điều trị định kỳ ngay tại Trạm y tế phường, xã? Việc này vừa giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, vừa tận dụng được cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực y tế tại địa phương (vốn ít việc cả năm).
Đơn thuốc bệnh viện đã có, trừ những trường hợp bệnh không giảm hay có dị ứng với thuốc, người bệnh mới cần đến bệnh viên khám lại. Còn với những trường hợp đã ổn định mà vẫn phải chờ mấy tiếng đồng hồ ở viện chỉ để gặp được bác sĩ kê lại đơn thuốc cũ thì có đáng? Chưa kể có trường hợp được bác sĩ thông báo thuốc đã hết, yêu cầu ra tiệm thuốc tự mua uống tạm trong một tháng, chờ tháng sau tới khám lại mà cũng không chắc là thuốc này sẽ có.
Thực tế, các Trạm y tế địa phương cũng có bác sĩ đủ trình độ để tái khám cho bệnh nhân. Người bệnh đến khám tại đây cũng không phải đi quá xa, tốn quá nhiều sức. Chứ nhìn số lượng người tới khám bệnh tại các bệnh viện công ngày nào cũng đông như trẩy hội mà tôi thấy ngao ngán. Bệnh viện nào cũng quá tải, vậy mà trong đó rất nhiều người chỉ đến lấy thuốc uống định kỳ, quả là một bất cập.
Các phương tiện truyền thông đã nói rất nhiều về áp dụng công nghệ 4.0 vào mọi mặt của đời sống xã hội. Tôi nghĩ rằng, việc đăng nhập vào hệ thống dữ liệu nào đó để biết thông tin về bệnh nhân, đã điều trị bao lâu, đang dùng thuốc định kỳ nào, cũng chẳng phải chuyện gì quá khó với các nhân viên y tế tại địa phương. Hãy đơn giản hóa mọi việ, đừng làm phức tạp thêm vấn đề vì một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.