Đọc các bài viết phản ánh thái độ của các y bác sĩ bệnh viện công, đặc biệt là tại các cơ sở ý tế tuyến dưới, tôi thấy đa phần là những bình luận chỉ trích, chê bai cả trình độ chuyên môn lẫn y đức của nhân viên y tế. Tuy nhiên, các bạn có bao giờ tự hỏi vì sao trình độ y tế tuyến dưới ở ta lại dở không?
Tôi cho rằng, nguyên nhân không nhỏ nằm ở việc mức lương bèo bọt mà các y bác sĩ tuyến dưới đang phải nhận. Lương bác sĩ không đủ sống, nên để được "giàu như các bạn tưởng" thì họ phải chịu khó chạy chọt, bám trụ lấy các bệnh viện tuyến trên, để mong đồng lương ổn hơn, có cơ hội được cập nhật kiến thức nhiều hơn và có khả năng "chân trong chân ngoài" kiếm tiền dễ hơn. Đó là lý do tại sao ở các thành phố lớn lớn, có kha khá bác sĩ giàu có là vậy.
Còn các y bác sĩ tuyến dưới, lương cứng của họ có khi còn thua cả công nhân. Bệnh viện nào ăn nên làm ra thì bác sĩ còn được chia chút tiền lời để tăng thu nhập. Còn nơi làm ăn không tốt thì cứ lương cứng theo đúng quy định nhà nước mà nhận. Với số tiền đó, họ lo cho gia đình còn khó, lấy đâu ra thời gian đi học nâng cao kiến thức? Tất cả thời gian sau giờ làm của họ phải bận làm việc khác ngoài chuyên môn để kiếm tiền sống rồi. Vậy thì trách sao họ không giỏi?
>> Ba lần vào viện nhưng bác sĩ không biết tôi mọc răng khôn
Giờ đây, một lượng không nhỏ nhân viên y tế tuyến dưới đã không còn muốn kêu than nữa, mà hành động trực tiếp bằng cách nghỉ việc hàng loạt rồi. Nên trong thời gian ngắn sắp tới, nếu ngành Y tế không có thay đổi gì nhanh, thì lực lượng y tế công sẽ chẳng còn mấy bác sĩ giỏi nữa. Bạn muốn gặp bác sĩ giỏi để chữa bệnh hiệu quả thì chịu khó ra bệnh viện tư và trả phí cao gấp vài lần đến hàng chục lần bệnh viện công.
Nhưng thực tế, bệnh viện tư thường không dám điều trị mấy ca bệnh khó, có xác suất tử vong cao, nên bệnh nhân nào chẳng may ở trong tình huống đó sẽ bị trả về bệnh viện công - nơi mà khi đó chẳng còn nhiều bác sĩ giỏi nữa. Vậy là sẽ có thêm một lượng lớn người bệnh xấu số bị đẩy vào tình trạng nguy kịch.
Nếu ngành Y thay đổi theo cơ chế thị trường, để cung cấp dịch vụ tốt đúng với nhu cầu bệnh nhân, thì rất nhiều người bệnh cũng sẽ phải chấp nhận thiệt thòi vì không có khả năng chi trả được viện phí lúc đó. Chúng ta cảm thấy chi phí y tế đắt là do thu nhập bình quân của người Việt quá thấp, chứ tổng số tiền bạn trả cho ngành Y (tính luôn cả số tiền Bảo hiểm y tế đồng chi trả) như hiện nay phải nói là quá rẻ. Nhiều trường hợp chỉ đủ để trả tiền hao phí nguyên vật liệu điều trị chứ chẳng trả được cho bác sĩ đồng tiền công nào.
Vậy nên, người dân cần có cái nhìn cảm thông hơn cho lực lượng y tế. Đừng vì một vài con sâu mà làm rầu nồi canh, đánh đồng cả ngành Y hiện nay đều tệ, cung cấp chất lượng phục vụ kém so với số tiền bệnh nhân đã bỏ ra.
Mức phụ cấp cho nhân viên y tế hiện nay đã thực hiện hơn 10 năm, được xem là lạc hậu, "không còn phù hợp" với thực tế. Cụ thể, mức phụ cấp trực 24/24 là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng Đặc biệt. Mức phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng/ca, ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính.
Phụ cấp chưa được tính đúng, đủ, thu nhập thấp là một trong những lý do căn bản dẫn đến làn sóng nhân viên y tế công bỏ việc trong thời gian qua. Tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, có hơn 9.300 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).
Trong khi đó, một nghiên cứu cuối năm 2021 của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, tiền lương trung bình thực tế của nhân viên y tế công lập khoảng 7,36 triệu đồng. Gần 81% nhân viên y tế tham gia khảo sát cho biết "không đủ tiền sinh hoạt phí trong đại dịch Covid-19".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.