Chị Thảo được phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh 15 năm trước, duy trì uống thuốc kháng đông đến nay. Tháng 4/2024, chị mang thai, theo dõi định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ngày 29/1, ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Tươi, khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, cho biết chị Thảo bị giãn nhĩ trái, hở van ba lá trung bình, có biểu hiện hồi hộp, nặng ngực. Thai kỳ làm tăng gánh nặng lên tim do phải cung cấp máu cho cả mẹ và bé. Dùng thuốc kháng đông có thể làm tăng khả năng xuất huyết như chảy máu nhau thai gây sinh non, thai lưu hoặc rong huyết sau sinh.
Theo bác sĩ Tươi, lựa chọn thuốc chống đông máu phù hợp có thể ngăn các biến cố huyết khối tắc mạch cho thai phụ, giảm rủi ro tiềm ẩn cho thai nhi. Do đó, bác sĩ tư vấn đổi thuốc kháng đông đường tiêm cho chị Thảo để ít ảnh hưởng đến thai nhi phát triển, thuốc có tác dụng trong 12 giờ nên dễ xử trí nếu có biến cố chảy máu.
Trong ba tháng đầu, chồng chị Thảo tiêm thuốc kháng đông cho vợ tại nhà mỗi 12 giờ theo hướng dẫn của bác sĩ. Chị đến bệnh viện khám hàng tháng. Các bác sĩ theo dõi chặt chẽ để kiểm soát liều lượng thuốc kháng đông, chức năng tim, tầm soát nguy cơ tiền sản giật... để có kế hoạch dự phòng phù hợp trong từng giai đoạn.
5 tháng tiếp theo khi thai phát triển ổn định, chị Thảo chuyển sang dùng thuốc kháng đông đường uống giúp tiết kiệm chi phí. Loại thuốc này có thời gian bán hủy lâu hơn, khoảng 36 giờ. Bác sĩ kê liều thấp, điều chỉnh lượng thuốc ở ngưỡng phù hợp với van cơ học theo INR (một chỉ số đánh giá khả năng cầm máu) nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến thai nhi.
Trong thời gian dùng thuốc uống, thai phụ được theo dõi lấy máu thường xuyên để kiểm soát nồng độ. Thuốc dễ bị ảnh hưởng bởi các loại thực phẩm giàu vitamin K. Vì vậy, chị Thảo kiêng ăn một số loại rau cải thìa, cải xoăn, cải bắp, súp lơ xanh, đậu xanh, đậu nành, kiwi, ổi... Chị cũng hạn chế vận động để giảm nguy cơ chảy máu do va chạm, gây ảnh hưởng tới thai.
Từ tuần 36 thai kỳ, chị Thảo dùng lại thuốc kháng đông đường tiêm theo chỉ định của bác sĩ. Đến tuần thai 39, BS.CKI Lê Đức Hùng, Trung tâm Sản Phụ khoa, đánh giá thai phụ khó sinh thường do ngôi thai không thuận, quyết định mổ lấy thai. "Vấn đề đáng lo nhất là nguy cơ chảy máu liên tục trong lúc mổ do thuốc kháng đông khiến máu khó cầm", bác sĩ Hùng nói.
Sau khi hội chẩn với khoa Tim mạch, bác sĩ chỉ định chị Thảo ngưng dùng thuốc kháng đông 24 giờ trước khi sinh mổ. Đầu tháng 1 năm nay, êkíp gây mê nội khí quản cho thai phụ, mổ lấy thai trong thời gian nhanh nhất có thể nhằm ngăn ngừa tối đa nguy cơ bé bị ảnh hưởng bởi thuốc mê qua nhau thai. Một ngày sau mổ, chị Thảo dùng lại thuốc kháng đông nhằm bảo tồn van cơ học, tránh hình thành huyết khối.
Bé trai nặng 3,1 kg, sức khỏe của hai mẹ con ổn định. Chị Thảo tiếp tục dùng thuốc kháng đông theo liều lượng chỉ định, cho con bú bình thường vì thuốc không ảnh hưởng đến sữa mẹ.
Theo bác sĩ Hùng, trước đây phụ nữ mắc bệnh tim thường gặp biến cố nguy hiểm hơn khi mang thai. Hiện nhờ sự phối hợp đa chuyên khoa, phụ nữ mắc bệnh tim có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh. Người bệnh nên khám sức khỏe toàn diện trước thai kỳ để đánh giá tình trạng bệnh. Phác đồ thuốc kháng đông cho thai phụ từng thay van tim cần xây dựng theo hướng cá thể hóa. Thai phụ cần tuân thủ lịch khám, liều lượng, thời gian sử dụng thuốc... theo chỉ định của bác sĩ.
Ngọc Châu
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai, sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |