Chị Thùy đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh) trong tình trạng dự trữ buồng trứng suy giảm, kinh nguyệt không đều, chỉ số AMH 1,06 ng/ml, trong khi phụ nữ dưới 38 tuổi AMH khoảng 2,8-6,8 ng/ml. Vợ chồng chị được thực hiện thụ tinh ống nghiệm theo tư vấn và tạo ra ba phôi chất lượng tốt nhưng hai lần chuyển phôi không đậu thai.
ThS.BS Vũ Thị Ngọc, IVF Tâm Anh, cho biết các chỉ số của chị Thùy và chồng đều bình thường, ngoại trừ cân nặng của người vợ. Lúc này, chị cao 1,54 m, nặng 65 kg, BMI 27,41, béo phì độ một.
Bác sĩ Ngọc giải thích thừa cân làm thay đổi nội tiết, chuyển hóa, từ đó ảnh hưởng đến chức năng lớp nội mạc tử cung, giảm khả năng tiếp nhận phôi và tăng nguy cơ chuyển phôi thất bại. Béo phì cũng ảnh hưởng tới chất lượng niêm mạc tử cung và quá trình thụ thai sau chuyển phôi, dễ sảy thai, thai lưu. Ở lần sinh đầu chị bị tiền sản giật, có thể tái diễn ở lần mang thai sau, nhất là khi thừa cân, béo phì.
Để cân nặng không ảnh hưởng đến lần chuyển phôi tiếp theo và hạn chế nguy cơ tiền sản giật khi mang thai, chị Thùy tự điều chỉnh chế độ ăn uống để giảm cân nhưng bất thành. Chị đến Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì để bác sĩ tư vấn điều trị. TS.BS Lê Bá Ngọc chỉ định cho người bệnh dùng thuốc kết hợp dinh dưỡng, vận động tại nhà nhằm giảm cân hiệu quả, không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Thuốc sử dụng theo đường tiêm, tương tự thao tác tiêm thuốc kích trứng để làm thụ tinh ống nghiệm, nên chị có thể thực hiện tại nhà.

Bác sĩ Ngọc tư vấn phác đồ giảm cân, hỗ trợ quá trình thực hiện thụ tinh ống nghiệm cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Sau tháng đầu tiên, chị giảm 3 kg, đến tháng thứ ba giảm 9 kg, kinh nguyệt đều đặn. Nhờ đó, trong lần chuyển phôi trữ cuối cùng, bác sĩ Ngọc (IVF Tâm Anh) quyết định chuẩn bị niêm mạc bằng chu kỳ tự nhiên, không sử dụng thêm thuốc bổ sung nội tiết cho người bệnh.
Chị thuận lợi chuyển phôi vào đầu tháng 2 và hiện mang thai 9 tuần, sức khỏe mẹ và bé ổn định. Chị được theo dõi đa chuyên khoa nhằm kiểm soát cân nặng trong thai kỳ, hạn chế nguy cơ tiền sản giật, đái tháo đường.
TS.BS Lê Bá Ngọc cho biết phụ nữ béo phì, thừa cân có tỷ lệ thụ thai tự nhiên thấp hơn so người có cân nặng bình thường. Mô mỡ dư thừa có khả năng sản xuất estrogen (tương tự buồng trứng), khiến cơ thể có quá nhiều estrogen, làm mất cân bằng nội tiết, gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng đến thụ thai. Ngay cả khi sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tỷ lệ thành công cũng thấp hơn, nguy cơ sảy thai và thai lưu cao hơn. Người thừa cân, béo phì mang thai cũng có nguy cơ cao biến chứng thai kỳ như tiểu đường, tiền sản giật, sinh non và biến chứng trong quá trình chuyển dạ.
Để cải thiện khả năng sinh sản, phụ nữ cần duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng, lựa chọn phương pháp giảm cân khoa học, kết hợp tư vấn của bác sĩ nhằm đảm bảo hiệu quả giảm cân, ổn định nội tiết.
Khuê Lâm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |