Căng thẳng liên tục, ngủ quá ít, ăn thực phẩm chế biến sẵn và nhiều đường, dùng thuốc kháng sinh đều có thể khiến lợi khuẩn ở đường ruột bị tiêu diệt. Điều này có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác chẳng hạn như não, tim, hệ thống miễn dịch, da, cân nặng, mức độ hormone, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và thậm chí phát triển ung thư.
Có một số cách giúp bạn nhận biết đường ruột không khỏe mạnh. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến.
Bụng chướng
Rối loạn dạ dày như đầy hơi, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy và ợ chua đều có thể là dấu hiệu của đường ruột không khỏe mạnh. Đường ruột cân bằng sẽ ít gặp vấn đề khi loại bỏ chất thải.
Thèm ăn đường
Chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn và đường có thể làm giảm số lượng vi khuẩn tốt (lợi khuẩn) trong đường ruột. Sự mất cân bằng này có thể làm tăng cảm giác thèm ăn đường và gây hại thêm cho đường ruột. Một lượng lớn đường tinh luyện, đặc biệt là sirô ngô có hàm lượng fructose cao có liên quan đến gia tăng tình trạng viêm. Viêm là tiền đề của một số bệnh và thậm chí ung thư.
Sụt hoặc tăng cân không chủ đích
Tăng hoặc giảm cân mà không thay đổi chế độ ăn uống hoặc thói quen tập thể dục có thể là dấu hiệu của đường ruột không khỏe mạnh. Đường ruột mất cân bằng có thể làm suy giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, điều chỉnh lượng đường trong máu và lưu trữ chất béo của cơ thể. Giảm cân có thể do vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức. Trong khi tăng cân có thể do đề kháng insulin hoặc ăn quá nhiều do giảm hấp thu chất dinh dưỡng.
Rối loạn giấc ngủ hoặc mệt mỏi liên tục
Đường ruột không khỏe mạnh góp phần gây ra rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc và dẫn đến mệt mỏi mạn tính. Phần lớn serotonin của cơ thể (một loại hormone ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ) được sản xuất trong ruột. Vì vậy, tổn thương đường ruột có thể khiến bạn ngủ không ngọn. Rối loạn giấc ngủ cũng có liên quan đến nguy cơ đau cơ xơ hóa.
Kích ứng da
Các tình trạng da như bệnh chàm có thể liên quan đến ruột bị tổn thương. Viêm ruột do chế độ ăn uống kém hoặc dị ứng thực phẩm làm tăng tiết một số protein ra ngoài cơ thể, gây kích ứng da và các bệnh như chàm.
Bệnh tự miễn
Các nhà nghiên cứu y học tìm được bằng chứng về tác động của ruột đối với hệ thống miễn dịch. Đường ruột không khỏe mạnh có thể làm tăng tình trạng viêm hệ thống và thay đổi hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Điều này có thể dẫn đến các bệnh tự miễn dịch, nơi cơ thể tự tấn công chính nó chứ không phải là những tác nhân có hại.
Không dung nạp thực phẩm
Không dung nạp thực phẩm là kết quả của việc khó tiêu hóa (khác với dị ứng thực phẩm là do phản ứng của hệ thống miễn dịch với một số loại thực phẩm). Không dung nạp thực phẩm có thể do chất lượng kém của vi khuẩn trong ruột. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng khó chịu như đầy hơi, đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn. Có một số bằng chứng cho thấy, dị ứng thực phẩm cũng liên quan đến sức khỏe đường ruột.
Cách cải thiện sức khoe đường ruột
Chế độ ăn uống và sức khỏe đường ruột có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Tránh thực phẩm chế biến sẵn, giàu chất béo và đường tinh luyện là điều quan trọng để duy trì hệ vi sinh vật khỏe mạnh. Bên cạnh đó, bạn cũng nên giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc. Dưới đây là một số cách sẽ giúp ích cho đường ruột.
Giảm mức độ căng thẳng
Căng thẳng mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm cả đường ruột. Một số cách giảm căng thẳng như thiền, đi bộ, massge, dành thời gian với bạn bè hoặc gia đình, giảm lượng caffeine, cười, tập yoga hoặc nuôi thú cưng.
Ngủ đủ giấc
Ngủ không đủ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột, dẫn đến nhiều vấn đề về giấc ngủ hơn. Bạn nên ngủ 7-8 tiếng mỗi đêm và nếu khó ngủ có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Ăn chậm
Nhai kỹ thức ăn và ăn chậm hơn giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng. Nhờ đó, bạn cũng giảm khó chịu về tiêu hóa và duy trì đường ruột khỏe mạnh hơn.
Uống đủ nước
Uống nhiều nước có lợi đối với lớp niêm mạc ruột, cũng như sự cân bằng lợi khuẩn trong ruột. Cung cấp đủ nước cho cơ thể là cách đơn giản để đường ruột khỏe.
Uống prebiotic hoặc probiotic
Bổ sung prebiotic hoặc probiotic vào chế độ ăn uống để cải thiện sức khỏe đường ruột. Prebiotic cung cấp thức ăn, thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi. Trong khi đó, probiotic là vi khuẩn sống có lợi.
Những người bị vi khuẩn phát triển quá mức, chẳng hạn như hội chứng loạn khuẩn ở ruột non không nên dùng men vi sinh. Không phải tất cả men vi sinh đều có chất lượng cao hoặc sẽ mang lại lợi ích. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi lựa chọn thực phẩm bổ sung probiotic hoặc prebiotic.
Kiểm tra sự không dung nạp thực phẩm
Nếu bạn có các triệu chứng như chuột rút, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy, phát ban, buồn nôn, mệt mỏi và trào ngược axit thì có thể đang mắc chứng không dung nạp thực phẩm. Bạn có thể thử loại bỏ các loại thực phẩm kích thích phổ biến để xem liệu các triệu chứng có cải thiện hay không.
Trường hợp bạn có thể xác định thực phẩm góp phần vào các triệu chứng này, bạn có thể thấy sự thay đổi tích cực trong sức khỏe tiêu hóa.
Thay đổi chế độ ăn uống
Giảm lượng thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và nhiều chất béo có thể góp phần cải thiện sức khỏe đường ruột. Ngoài ra, ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật và protein nạc có thể tác động tích cực đến đường ruột của bạn. Chế độ ăn giàu chất xơ góp phần giúp cho hệ vi sinh khỏe mạnh.
Huyền Nguyễn
(Theo Healthline)