VA là một tổ chức lympho (bạch huyết) nằm ở nóc vòm, sau cửa mũi sau. Khi hít vào, không khí sẽ vào mũi, đi qua VA rồi vào khí quản và phổi. VA có từ khi trẻ mới lọt lòng, lúc chưa bị viêm có kích thước nhỏ (khoảng từ 4-5 mm), rất mỏng, xếp theo hình lá nên dễ tiếp xúc với bên ngoài và với kích thước này thì đường thở hoàn toàn bình thường. Từ 6 tháng tuổi, VA phát triển dần dần với chức năng miễn dịch nhằm ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn từ mũi và miệng.
Viêm VA được chia làm hai giai đoạn là viêm cấp tính và viêm mạn tính. Bệnh có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa. Việc xác định đúng giai đoạn bệnh sẽ giúp bác sĩ lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp. BS.CKI Trần Phương Thanh, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết điều trị viêm VA kịp thời và đúng cách rất quan trọng để tránh các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Viêm VA cấp tính thường xuất hiện ở trẻ dưới 4 tuổi, ít gặp ở trẻ lớn hơn. Bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng như nghẹt mũi thường xuyên hay thở bằng miệng, bú ngắt quãng, sốt 38-39 độ C khi có viêm cấp, rối loạn tiêu hóa cũng như một số triệu chứng khác. Viêm VA cấp tính cần được điều trị sớm để tránh tiến triển thành mạn tính.
Bác sĩ Phương Thanh cho biết, viêm VA mạn tính xảy ra khi viêm nhiễm cấp tính tái đi tái lại nhiều lần dẫn đến xơ hóa. Các biểu hiện của tình trạng này như: viêm mũi, chảy nước mũi trong hoặc đục, có thể chảy mũi xanh kéo dài; nghẹt mũi, càng về sau tình trạng nghẹt mũi càng nghiêm trọng, khiến trẻ phải há miệng để thở, nói giọng mũi, ngủ không ngon giấc và ngủ ngáy, thậm chí có thể xuất hiện tình trạng ngưng thở khi ngủ.
Viêm VA mạn thường kéo theo viêm tai giữa, ảnh hưởng đến chức năng nghe của trẻ. Trẻ bị viêm VA mạn thường thở bằng miệng, ít dùng mũi nên chóp mũi nhỏ lại, mũi tẹt, răng vẩu, môi trên bị kéo lên, môi dưới dài thõng, không thể khép miệng, khuôn mặt kém linh hoạt. Khi khám tai mũi họng, bác sĩ có thể thấy niêm mạc mũi sưng, có nhiều dịch nhầy. Ở họng có nhiều khối lympho và dịch mũi nhầy chảy từ vòm họng xuống.
Theo bác sĩ Phương Thanh, phẫu thuật nạo VA chỉ được chỉ định trong các trường hợp sau: viêm VA nhiều đợt cấp tính, tái phát trên 5 lần mỗi năm; viêm VA điều trị bằng thuốc không hiệu quả; viêm VA gây biến chứng (gồm biến chứng gần như viêm tai, viêm đường hô hấp, viêm sưng hạch... và biến chứng xa như viêm khớp hay viêm cầu thận cấp...).
VA phì đại, ảnh hưởng đường thở gây nghẹt mũi kéo dài, khó nuốt, khó nói, có thể có biến chứng ngưng thở khi ngủ cũng cần phẫu thuật nạo VA. Những trường hợp gặp các vấn đề rối loạn đông máu, bệnh tim, bệnh lao tiến triển, viêm mũi họng cấp; nhiễm virus cấp (cúm, ho gà, sởi, sốt xuất huyết...); hen phế quản, dị ứng, hở hàm ếch; vừa uống hoặc chích ngừa vaccine... sẽ không chỉ định nạo VA.
Mặc dù nạo VA có thể điều trị dứt điểm tình trạng viêm nhiễm và không làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ nhưng phương pháp này không nên bị lạm dụng. Quá trình phẫu thuật cần diễn ra theo quy trình, thông qua sự thăm khám và chẩn đoán kỹ càng từ bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.
Theo bác sĩ Phương Thanh, việc lựa chọn phương pháp điều trị viêm VA cần dựa trên kết quả chẩn đoán. Hiện nay, chẩn đoán viêm VA bằng nội soi tai mũi họng qua đường mũi là phương pháp chiếm ưu thế, giúp xác định tình trạng viêm nhiễm và mức độ phì đại của VA.
Nếu kết quả chẩn đoán cho thấy viêm VA cấp tính, chưa có biến chứng, điều trị bằng thuốc là phương pháp được ưu tiên. Nếu viêm nhiễm tái diễn nhiều lần hoặc có biến chứng, hay viêm VA mạn tính cần cần điều trị bằng phẫu thuật nạo VA. Mục đích của phẫu thuật nhằm loại bỏ các tổ chức miễn dịch không hoạt động nay đã là ổ chứa vi khuẩn hoặc virus.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp phẫu thuật hiện đại, không biến chứng, ít gây đau đớn. Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đang áp dụng công nghệ phẫu thuật nạo VA cho trẻ bằng máy cắt nạo IPC và dao Plasma. Dao Plasma là công nghệ tiên tiến giúp loại bỏ triệt để các tổ chức viêm nhiễm trong thời gian ngắn nhất.
Bác sĩ Phương Thanh cho biết thêm, dao Plasma có thể cắt, đốt và cầm máu đồng thời ngay trong khi mổ. Hơn nữa, lưỡi dao có thể linh hoạt thay đổi hình dạng và góc độ, giúp tiếp cận hiệu quả các khu vực hẹp, khuất, nâng cao hiệu quả phẫu thuật. Trẻ sau mổ ít đau hơn, hồi phục nhanh hơn, có thể ra viện trong vòng 24 giờ sau nạo VA.
Dung Nguyễn