Chảy máu mũi (chảy máu cam) là một hiện tượng khá phổ biến mỗi người đều có thể gặp phải. Tùy theo từng trường hợp mà chảy máu mũi có thể nguy hiểm hay không. Theo ThS.BS Phạm Thị Phương, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chảy máu mũi xảy ra do nhiều nguyên nhân như thời tiết khô, lạnh hoặc quá nóng, bệnh viêm xoang, viêm mũi, chấn thương, có khối u trong mũi, rối loạn máu đông... Người lớn bị chảy máu mũi nhiều và thường xuyên có thể là dấu hiệu nghiêm trọng, cần đi khám để được điều trị kịp thời. Mặt khác, có một số quan niệm và cách xử lý chưa đúng với hiện tượng này, được bác sĩ lưu ý.
Máu mũi là máu thừa
Nhiều người thường lầm tưởng máu mũi là máu thừa, mất máu do chảy máu mũi không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Bác sĩ Phương giải thích, một người bị chảy máu mũi thường xuyên và trong thời gian dài (hơn 20 phút) có thể đang gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Chảy máu cam với lượng nhiều có thể khiến người bệnh tụt huyết áp, mất máu.
Nằm ngửa
Có những ý kiến trái ngược nhau về việc nên nằm ngửa hay cúi đầu về phía trước khi chảy máu mũi. Bác sĩ Phương cho biết, nằm ngửa là cách xử trí sai, có thể khiến máu chảy ngược từ mũi xuống phía sau cổ họng, vô tình vào đường thở , dẫn đến nguy cơ gây nghẹt thở.
Khi bị chảy máu mũi, mọi người lưu ý như ngồi thẳng, đầu hơi cúi về phía trước. Dùng tay giữ chặt cánh mũi và thở bằng miệng trong khoảng 10-15 phút đến khi máu chảy chậm hoặc ngừng chảy. Không nên nằm hay ngả đầu về phía sau vì máu sẽ chảy vào cổ họng, khí quản gây ra các vấn đề về hô hấp.
Xì mũi mạnh
Nhiều người cho rằng có thể xì mũi mạnh để hết chảy máu cam. Tuy nhiên, người đang bị chảy máu mũi không nên xì mũi vì có thể gây kích ứng nghiêm trọng đường mũi và khiến tình trạng càng trầm trọng hơn.
Nhét giấy, bông gòn vào lỗ mũi để cầm máu
Lấy bông gòn hoặc giấy vo tròn lại nhét vào lỗ mũi để cầm máu cũng là một cách xử trí thường gặp. Bác sĩ cho biết, cách này hoàn toàn sai và có thể dẫn đến nhiễm trùng. Nếu không cẩn thận hít phải các sợi bông gòn, giấy, đặc biệt là với trẻ nhỏ, người bệnh dễ bị nghẹt thở.
Ăn cay
Bác sĩ Phương khuyến cáo, người bị chảy máu mũi không ăn thức ăn cay hoặc nóng trong vòng vài giờ sau khi bị chảy máu mũi. Thức ăn cay có thể làm giãn mạch máu khiến máu chảy trở lại.
Cách hiệu quả khi xử trí chảy máu mũi là bóp mũi đúng cách, bóp mũi ở phần ngay dưới sống mũi, các ngón tay phải nằm trên xương cũng như mô mềm. Việc này sẽ làm ngừng hoặc làm chậm dòng máu đang chảy và cầm máu. Người bị chảy máu mũi nên ngồi thẳng, không nằm ngửa, giữ đầu cao để làm giảm áp lực máu trong tĩnh mạch mũi, ngăn chảy máu.
Có những cách giúp giảm chảy máu mũi là chườm đá hoặc đặt túi chườm lạnh lên sống mũi, giữ bình tĩnh và không căng thẳng. Nếu chảy máu mũi liên tục và nhiều, bạn nên đi khám để được điều trị phù hợp.
Chảy máu mũi thường khó kiểm soát. Tuy nhiên, bạn có thể phòng ngừa tình trạng này bằng cách tránh ngoáy mũi quá nhiều, quá mạnh; đeo khẩu trang bảo vệ mũi khi thời tiết khô hanh, nóng; không nên ngồi lâu trong phòng điều hòa. Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý đúng cách; ăn uống đủ chất, đặc biệt là bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, vitamin K...
Hà Phượng