Không khí lạnh, khô tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Chúng có thể lơ lửng trong không khí lâu hơn các mùa khác, dễ dàng lây nhiễm từ người sang người qua đường hô hấp. Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Minh Tiến, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trẻ bị viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản... tăng trong thời điểm này.
Ngoài yếu tố môi trường, trẻ có sức đề kháng yếu, thói quen chăm sóc không đúng cách cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp. Trường hợp bệnh nặng, trẻ có thể bị biến chứng áp xe phổi, xẹp phổi, suy hô hấp, tử vong. Dưới đây là một số thói quen dễ gây hại phổi của trẻ khi trời lạnh.
Mặc không đủ ấm khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh, kích ứng đường thở, tổn thương phổi. Nhiệt độ lạnh làm cho mạch máu dưới da co lại, hạn chế lưu thông máu, làm khô lớp nhầy bảo vệ niêm mạc đường hô hấp, giảm sức đề kháng. Lúc này các tác nhân gây bệnh dễ xâm nhập vào mũi, miệng trẻ.
Phụ huynh nên giữ ấm vùng mũi, cổ, ngực, lòng bàn chân cho trẻ bằng cách mặc áo cao cổ hoặc quàng khăn, đeo tất, găng tay đi giày, đội mũ kín tai, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Ngâm chân trong nước ấm với thảo dược không phù hợp với trẻ quá nhỏ. Do làn da của bé rất mỏng manh, khó kiểm soát nhiệt độ và thời gian ngâm chân. Một số loại dược liệu có thể không phù hợp gây kích ứng da của trẻ. Trẻ bé không thể tự ngồi yên, dễ xảy ra tai nạn bỏng.
Bác sĩ Tiến khuyên phụ huynh chỉ nên cho bé trên 6 tuổi ngâm chân thảo dược như gừng, tinh dầu tràm, bạc hà... để giữ ấm cơ thể, giãn mạch máu vùng chân, thúc đẩy lưu thông máu, kích thích ngủ ngon hơn khi trời lạnh. Nhiệt độ nước chỉ nên chỉ khoảng 40-50 độ C, tránh ngâm nước quá nóng dễ gây bỏng, nứt nẻ da chân, tăng kích thước các mạch máu của bàn chân. Trẻ nên ngâm chân khoảng 15 phút để tránh ảnh hưởng đến phân bố tuần hoàn trong cơ thể, bảo vệ sức khỏe tim, phổi, não. Ngâm chân sau bữa ăn ít nhất 30 phút giúp cơ thể tập trung tiêu hóa thức ăn hiệu quả.
Ở trong phòng kín, bật điều hòa ấm liên tục giúp cơ thể tránh được gió lạnh nhưng có thể khiến trao đổi không khí giảm đáng kể. Nồng độ chất ô nhiễm, khí CO2 và các tác nhân gây bệnh hô hấp như virus, vi khuẩn, nấm... gia tăng. Bác sĩ khuyên các gia đình nên mở cửa 1-2 tiếng vào thời điểm nhiệt độ lên cao trong ngày hoặc lắp thêm quạt thông gió để lấy không khí ẩm, tươi mới.
Sưởi ấm không đúng cách có thể làm không khí khô đi, ảnh hưởng đến niêm mạc mũi và phổi của trẻ. Thói quen đốt củi, sưởi than trong không gian kín có thể gây hỏa hoạn, bỏng hoặc nguy cơ ngạt khí CO. Phụ huynh nên trang bị dụng cụ sưởi, lò sưởi chuyên dụng phù hợp không gian, diện tích. Dùng thêm máy tạo độ ẩm giúp cân bằng độ ẩm trong không khí, bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Không rửa tay thường xuyên có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus gây bệnh hô hấp xâm nhập vào cơ thể.
Trẻ nên rửa tay bằng xà phòng với nước ấm sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Phụ huynh cho trẻ tắm nước ấm trong phòng kín gió. Lưu ý chuẩn bị sẵn khăn bông mềm, quần áo ấm cho trẻ, chỉ nên tắm khoảng 5-7 phút. Sau khi tắm, nên thoa dầu giữ ấm cơ thể như khuynh diệp hoặc dầu tràm vào lưng, ngực, gan bàn tay chân và đi tất cho bé.
Ăn uống không đủ dinh dưỡng khi trời lạnh có thể khiến trẻ bị thiếu chất, làm giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, gây hại phổi. Chế độ ăn nên ưu tiên trái cây tươi, rau xanh chứa nhiều vitamin C. Một số loại rau quả giàu vitamin C như cải xoăn, bông cải xanh, ổi, trái cây họ cam quýt, kiwi... hỗ trợ cơ thể chống lại tác hại từ gốc tự do, hóa chất ô nhiễm độc hại.
Cà rốt, khoai lang, cà chua, đu đủ... dồi dào vitamin A giúp tiêu hóa tốt vừa hỗ trợ tái tạo biểu mô đường hô hấp. Ngũ cốc, hải sản, trứng, đậu giàu protein có thể tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể. Phụ huynh cho trẻ uống đủ nước, chia làm nhiều lần trong ngày để máu lưu thông tốt, giảm kích ứng, khô họng. Trời lạnh nên dùng nước lọc ấm, sữa và nước trái cây nên ủ ấm không quá 40 độ C.
Hít phải khói thuốc lá hoặc thuốc lào khiến phế nang mất tính đàn hồi, dung tích phổi thu hẹp, tê liệt lông mao, chất nhầy và chất độc tích tụ trong phổi. Bé tiếp xúc lâu dài với khói thuốc dễ bị khó thở, ho dai dẳng, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về phổi.
Lười vận động là thói quen thường gặp ở trẻ khi trời lạnh. Điều này có thể làm giảm khả năng miễn dịch và chức năng phổi. Phụ huynh khuyến khích cho trẻ tập thể dục ngoài trời khi thời tiết ấm lên. Lưu ý theo dõi dự báo chất lượng không khí trước khi ra ngoài để bảo vệ sức khỏe phổi. Trong những ngày nhiệt độ giảm sâu hoặc không khí ô nhiễm, trẻ có thể tập thể dục ngay trong nhà.
Thức khuya khiến trẻ dễ suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ viêm nhiễm. Trẻ nên đi ngủ trước 22h. Giảm tối thiểu các yếu tố kích thích như ánh sáng, tiếng ồn, để trẻ đói hoặc ăn quá no, mặc quần áo quá dày, chật, nằm sai tư thế. Tránh các chấn thương tâm lý có thể gây ức chế cho trẻ trước khi ngủ như dọa nạt, quát mắng.
Không tiêm phòng vaccine như cúm, phế cầu, lao, bạch hầu, ho gà, sởi... đúng lịch khiến trẻ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc gặp biến chứng, ảnh hưởng sức khỏe phổi.
Không đi khám khi trẻ có triệu chứng bất thường như bỏ bú, biếng ăn, quấy khóc, sổ mũi, ngạt mũi lâu ngày không bớt, ho, sốt, thở khò khè. Thói quen tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ có thể khiến trẻ không khỏi bệnh hoặc chuyển biến nặng, kháng kháng sinh, khó điều trị.
Theo bác sĩ Tiến, các bệnh hô hấp ở trẻ thường chuyển biến nhanh. Phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế sớm khi trẻ có các biểu hiện bất thường.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |