Kết quả chụp X-quang tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy có đám mờ tổn thương nhu mô phổi hai bên. Ngày 9/1, ThS.BS.CKI Trịnh Thị Hồng Vân, khoa Nhi, giải thích bé bị viêm phổi do virus sởi sau khi xâm nhập vào cơ thể lây nhiễm tế bào biểu mô đường hô hấp dưới, làm giảm khả năng miễn dịch của phổi. Điều này khiến phổi dễ tổn thương, bội nhiễm các loại vi khuẩn, gây viêm phổi cấp tính và suy hô hấp nặng.
Bé Linh sinh non ở tuần 28 nên hệ miễn dịch yếu, dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng hơn khi bị viêm phổi. Bé được xông khí dung, truyền kháng sinh, hỗ trợ thở oxy, song không đáp ứng thuốc. Sau khi được đổi kháng sinh phổ rộng, bé đáp ứng, hết ho, thở đều, bú tốt, xuất viện sau 9 ngày điều trị.
Theo bác sĩ Vân, hậu sởi là biến chứng xảy ra khi trẻ hết bệnh sởi trong khoảng 1-2 tuần. Lúc này các tác nhân gây bệnh có thể tấn công gây viêm phổi và nhiều bệnh lý nguy hiểm. Tùy thể trạng của trẻ, bệnh sởi sẽ hết hẳn sau 1-3 tuần song phải sau 1-3 tháng hệ miễn dịch mới phục hồi hoàn toàn.
Sau khi mắc sởi, hệ miễn dịch của bệnh nhi kém đi, không có kháng thể nên dễ bị tấn công bởi các loại vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng, trong đó viêm phổi là biến chứng thường gặp. Trẻ cũng dễ viêm màng não, viêm tai giữa cấp, biến chứng tai mũi họng, vùng khoang miệng - viêm niêm mạc miệng,viêm kết mạc, suy dinh dưỡng sau khi mắc sởi.
Thành phố vẫn chưa hết dịch sau hơn 4 tháng công bố dịch sởi để tập trung tiêm vaccine phòng bệnh. "Số ca viêm phổi hậu sởi cũng có thể tăng lên", bác sĩ Vân nói.
Để ngăn ngừa biến chứng hậu sởi, bác sĩ khuyên phụ huynh tránh cho trẻ tiếp xúc các tác nhân gây bệnh, vệ sinh cơ thể và môi trường sống sạch sẽ. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay bằng xà phòng. Bổ sung trái cây, ăn đủ các chất đạm, béo, bột đường, vitamin, khoáng chất, uống nhiều nước. Sau mắc sởi, trẻ vẫn ho, khó thở, sốt dai dẳng trên 5 ngày nên đến bác sĩ khám, tránh nguy cơ biến chứng.
Đình Lâm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |