Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết gan tham gia vào nhiều chức năng của cơ thể nên triệu chứng tổn thương đa dạng. Gan tổn thương ở giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ ràng. Triệu chứng nếu có gồm đau bụng, mắt và da bị vàng, bất thường khi xét nghiệm chức năng gan.
Tổn thương gan có liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có một số bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe.
Viêm gan virus: Viêm gan virus B và C mạn tính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Theo bác sĩ Khanh, ở Việt Nam, viêm gan virus B mạn tính khá phổ biến. Bệnh do mẹ truyền bệnh sang con hoặc lây lan qua máu người bị nhiễm bệnh. Viêm gan virus B có thể phòng ngừa bằng vaccine.
Viêm gan virus C lây qua tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh, dùng chung kim tiêm, quan hệ tình dục không an toàn, truyền máu (ít phổ biến), xăm hình bằng kim bẩn... Bệnh có thể chữa khỏi bằng thuốc nếu được chẩn đoán sớm. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, diễn tiến âm thầm dễ dẫn đến xơ gan, suy gan, ung thư gan.
Viêm gan do rượu: Uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ tổn thương gan mạn tính, lâu ngày dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Ethanol có trong rượu bia chuyển thành acetaldehyde, chất gây độc với tế bào gan. Người mắc viêm gan virus mạn tính như viêm gan virus B, C nguy cơ xơ gan tăng cao nếu thường xuyên uống rượu bia.
Béo phì: Người bị thừa cân dễ gặp tình trạng tích tụ chất béo trong tế bào gan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Người béo phì cũng thường gặp vấn đề về rối loạn chuyển hóa dẫn tới huyết áp cao, tiểu đường, rối loạn mỡ máu - các tình trạng làm tổn thương tế bào gan. Theo bác sĩ Khanh, gan nhiễm mỡ không do rượu cao ngày càng trẻ hóa, có xu hướng xảy ra nhiều ở thanh thiếu niên mắc bệnh béo phì.
Bệnh di truyền: Di truyền đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của gan và một số tình trạng di truyền có thể dẫn đến bệnh gan. Bệnh Wilson (rối loạn chuyển hóa đồng) gia tăng sự tích tụ đồng trong cơ thể, làm tổn hại cho gan, não và các cơ quan khác. Bệnh di truyền khác là Hemochromatosis (quá tải sắt quá mức) gây tích tụ chất sắt trong cơ thể, dẫn đến xơ gan, suy gan..
Bệnh tự miễn: Một số bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng đến chức năng gan. Hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào gan gọi là viêm gan tự miễn.
Bệnh viêm đường mật tiên phát xảy ra do rối loạn ứ mật trong gan gây ra bởi sự tấn công của sự tự miễn dịch lên ống mật nhỏ, ảnh hưởng chủ yếu là phụ nữ ở tuổi trung niên. Bệnh không được phát hiện và điều trị dễ diễn tiến thành xơ gan.
Bệnh viêm đường mật xơ hóa tiên phát là tình trạng viêm sưng, xơ hóa và co thắt các ống mật mà không có nguyên nhân rõ ràng. Đây cũng là bệnh tự miễn hay gặp ở nam giới tuổi trung niên, có xu hướng phát triển thành xơ gan, suy gan nếu không được điều trị.
Theo bác sĩ Khanh, các yếu tố như thói quen uống rượu bia, uống nước giải khát có đường, hút thuốc, cũng tác động tiêu cực đến tế bào gan. Thay đổi lối sống lành mạnh, khoa học, khám sức khỏe định kỳ góp phần làm chậm tiến triển bệnh.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |