Dự báo thời tiết thông báo cuối tuần miền Bắc chuyển mưa, anh Lê Bách Hải Nguyên (31 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) lo kiểm tra lại tủ thuốc xem còn liều viêm mũi dị ứng dự trữ hay không. Không ngoài dự kiến, sau một đêm thức dậy, anh Nguyên hắt xì đỏ cả mũi, hai mắt bắt đầu ngứa.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với chị Thảo (27 tuổi) - vợ của anh Hải Nguyên quanh năm dùng thuốc viêm mũi dị ứng vì nắng nóng chị cũng bị hắt hơi, mưa nhiều càng khiến tình trạng trở nặng hơn. Dù chị đã đi khám nhiều nơi và uống thuốc nhưng chỉ ngăn được những đợt viêm mũi dị ứng dài nhất khoảng một tháng, sau đó tình trạng ngứa lại tiếp diễn.
"Vợ chồng tôi đi khám bác sĩ bảo bị viêm mũi dị ứng do thời tiết. Hai vợ chồng rất kỹ tính, nhà cửa lúc nào cũng dọn dẹp sạch sẽ, đi làm về đều dùng nước muối sinh lý rửa mũi nhưng dù làm cách nào cũng không thoát được những cơn hắt hơi và ngứa mũi kéo dài", chị Thảo nói.
Anh Nguyên chia sẻ, cứ mỗi lần ngứa mũi anh lại phải uống khoảng 3-5 ngày thuốc, mỗi ngày hai liều. "Uống thuốc nhiều thì hại gan, hại thận, tôi cũng lo lắng lắm nhưng đi khám vẫn chưa tìm ra giải pháp nào chữa dứt điểm. Không uống thuốc thì ngứa điên đảo, không thể tập trung được vào việc gì", anh Nguyên nói.
Theo ThS.BS Nguyễn Thùy Linh, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, viêm mũi dị ứng thời tiết là bệnh viêm mũi dị ứng có tính chất kéo dài từ năm này qua năm khác, liên quan đến sự thay đổi của thời tiết. Hiện nay, viêm mũi dị ứng do thời tiết ước tính ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số trên thế giới ở nhiều lứa tuổi. Song nguy cơ cao hơn nhiều ở những người bị hen suyễn hoặc eczema và ở những người có tiền sử gia đình bị hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng.
Thời điểm khởi phát các triệu chứng phụ thuộc vào mùa xuất hiện của các tác nhân gây dị ứng như mùa nở hoa của một loại cây nào đó, mùa sâu bướm sinh sôi, mùa ẩm ướt nhiều nấm mốc phát triển, mùa khô lạnh... Ngoài ra, viêm mũi dị ứng thời tiết còn có thể do mạt bụi (bụi nhà), nấm mốc, tiếp xúc với hóa chất, lông hoặc phân động vật. Những người bị hen, suyễn cũng thường đồng mắc viêm mũi dị ứng. Mùa mưa không khí ẩm ướt, nhiệt độ xuống thấp, thuận lợi cho các tác nhân gây hại sinh sôi và phát triển mạnh. Do đó, nhiều người có thể gặp tình trạng viêm mũi dị ứng nặng hơn.
Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng thời tiết phụ thuộc vào nhiều yếu tố chẳng hạn như sự thay đổi môi trường sống, sự thay đổi của hệ thống miễn dịch... Các triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết không chỉ xảy ra ở mũi mà còn gây ảnh hưởng đến mắt (đỏ, ngứa, cảm giác cộm), đau họng, khàn giọng, tắc nghẽn hoặc ù tai, mệt mỏi vào ban ngày, khó thực hiện các hoạt động bình thường như học, làm việc vì nghẹt mũi khó chịu.
"Để xác định một người có mắc viêm mũi dị ứng thời tiết hay không, bác sĩ cần kết hợp nhiều chẩn đoán. Chẩn đoán viêm mũi dị ứng thường được thực hiện trên lâm sàng dựa trên các triệu chứng đặc trưng và đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc kháng histamin hoặc corticoid xịt mũi. Bên cạnh chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm để kết hợp chẩn đoán chính xác hơn, bao gồm xét nghiệm da để xác định dị nguyên hoặc xét nghiệm máu", bác sĩ Linh cho biết.
Bác sĩ Linh nói thêm, các lựa chọn điều trị bằng thuốc thường bao gồm thuốc kháng histamin H1, corticoid dùng xịt mũi và thuốc đối kháng thụ thể leukotriene. Ba loại thuốc này không chỉ đặc hiệu với chứng viêm mũi dị ứng theo mùa mà còn với cả viêm mũi dị ứng quanh năm. Thuốc kháng histamin dạng uống thường có tác dụng nhanh chóng nên bất kỳ khi nào có các triệu chứng, người bệnh có thể dùng ngay.
Cải thiện tình trạng viêm mũi dị ứng thời tiết
Để giúp kiểm soát những đợt viêm mũi dị ứng, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể kết hợp rửa mũi tại nhà bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch niêm mạc mũi. Người bệnh cũng có thể xông hơi tại nhà bằng một nồi nước đun sôi mở vung để hơi nóng bốc lên mặt, hay thay bằng một vòi hoa sen ở chế độ nước nóng rồi xả khắp phòng tắm, hơi nước nóng sẽ giúp thông đường thở và giảm nhẹ các triệu chứng.
Bác sĩ Linh khuyên, một trong những lưu ý khi phòng ngừa viêm mũi dị theo mùa quan trọng đó là người bệnh cần tránh các tác nhân gây dị ứng và tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Theo đó, mọi người nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ hàng ngày, hạn chế nuôi thú cưng trong nhà, hạn chế tiếp xúc với hóa chất như nước giặt, thuốc xịt côn trùng, thường xuyên mở cửa các phòng trong nhà đón ánh nắng mặt trời để khử nấm mốc. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đồ ấm, nhất là vào mùa lạnh cũng rất cần thiết.
Bác sĩ Linh cho biết thêm, viêm mũi dị ứng thời tiết không phải là một bệnh lý cấp tính đe dọa tính mạng, nhưng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần làm suy giảm khả năng học tập, lao động do chứng nghẹt mũi gây ra. Thêm nữa, nếu không được điều trị sớm, các biến chứng của viêm mũi dị ứng theo mùa có thể bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm màng não... nguy hiểm.
Bác sĩ Linh khuyến cáo, khi nghi ngờ mắc viêm mũi dị ứng thời tiết, trẻ em, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để thăm khám nhằm chẩn đoán đúng bệnh và điều trị hiệu quả.
Anh Chi
Để đặt lịch khám với các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ:
Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Hotline: 1800 6858
TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình. Hotline: 0287 102 6789
Website: https://tamanhhospital.vn
Fanpage: facebook.com/benhvientamanh