Stress
Trẻ em thường trở nên hiếu động khi trải qua trạng thái căng thẳng trong cuộc sống. Đôi khi có thể là thay đổi tâm lý khi có thêm em, chuyển đi tới một nơi ở mới, trường mới... cũng có thể tạo ra nhiều căng thẳng cho trẻ.
Cha mẹ cũng nên lưu ý, trẻ em sẽ phải gánh chịu sự căng thẳng từ việc cha mẹ cãi vã, tranh luận, stress. Những đứa trẻ có cha mẹ bị căng thẳng cũng có thể bị ảnh hưởng theo.
Nếu phụ huynh đang trải qua những trạng thái căng thẳng trong cuộc sống, hãy đảm bảo tinh thần cho con, giúp con trở nên yên tâm hơn về cha mẹ của chúng.
Vấn đề về cảm xúc hoặc sức khỏe tâm thần
Các vấn đề về cảm xúc thường có biểu hiện khá giống với rối loạn hành vi ở trẻ em. Một đứa trẻ bị rối loạn lo âu có thể gặp khó khăn khi ngồi yên một chỗ. Một đứa trẻ bị tổn thương bởi một vấn đề nào đó có thể mất đi sự tập trung.
Nếu nghi ngờ chứng hiếu động thái quá của con có thể bắt nguồn từ một vấn đề về cảm xúc, cha mẹ cần đưa con đi gặp chuyên gia tâm lý. Các phương pháp điều trị có thể làm giảm triệu chứng, bao gồm cả chứng hiếu động thái quá.
Sức khỏe thể chất
Một số vấn đề về sức khỏe thể chất gây ra chứng hiếu động. Chẳng hạn, tuyến giáp ở trẻ hoạt động quá mức có thể gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm lo lắng và hiếu động thái quá. Ngoài ra, một số vấn đề di truyền khác có thể dẫn đến việc hoạt động ở trẻ gia tăng hơn bình thường.
Trong trường hợp này, trẻ cần được đi khám chuyên khoa để các bác sĩ xác định các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn có thể là gốc rễ của vấn đề.
Thiếu tập thể dục
Hầu hết trẻ em khỏe mạnh đều năng động và tràn đầy năng lượng. Nếu không được tập thể dục đầy đủ chúng sẽ phải tìm cách hoạt động thật nhiều để giải phóng năng lượng.
Tuy nhiên, một số trẻ hiếu động thường bị cha mẹ, thầy cô hạn chế hoạt động bằng cách cho ở yên trong lớp, trong nhà trong những giờ giải lao. Việc không có cơ hội chạy nhảy và chơi đùa khiến chứng hiếu động ở trẻ trở nên trầm trọng hơn.
Cha mẹ cần khuyến khích con tập thể dục thường xuyên. Đi xe đạp, đi bộ, chạy bộ vừa sức cũng là cơ hội để trẻ sử dụng năng lượng của mình vào các hoạt động hữu ích.
Thiếu ngủ
Trẻ sơ sinh cần ngủ 12-16 tiếng mỗi ngày, bao gồm giấc ngủ ngắn; trẻ mới biết đi ngủ 11-14 tiếng; trẻ mẫu giáo từ 10-13 tiếng, đã bao gồm giấc ngủ trưa; trẻ đang tuổi đi học cần ngủ từ 9-12 tiếng còn thanh thiếu niên ngủ từ 9-10 tiếng.
Trong khi người lớn có xu hướng uể oải, mệt mỏi khi thiếu ngủ thì trẻ em thường trở nên hiếu động. Trẻ có giấc ngủ ngắn hay đi ngủ muộn gây ra sự buồn ngủ có vẻ hoạt bát hơn những đứa trẻ ngủ đủ giấc. Lý giải nguyên nhân này các chuyên gia cho rằng, khi không được nghỉ ngơi đầy đủ, cơ thể trẻ sẽ phản ứng bằng cách tạo ra nhiều cortisol và adrenaline hơn để chúng có thể tỉnh táo. Kết quả, trẻ sẽ có nhiều năng lượng hơn, hoạt động nhiều hơn.
Ngoài các nguyên nhân khiến trẻ trở nên hiếu động hơn ở trên, cha mẹ cũng cần theo dõi các dấu hiệu, triệu chứng ở con để biết trẻ bị tăng động hay chỉ là hiếu động thái quá.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) là một tình trạng sinh học thần kinh gây ra các triệu chứng như bốc đồng, giảm khả năng tập trung và tăng hoạt động.
Các triệu chứng điển hình liên quan đến hiếu động thái quá ở những trẻ bị ADHD được mô tả bao gồm: khó ngồi yên, liên tục vặn vẹo và cử động chân, tay; chạy hoặc leo trèo vào những thời điểm không thích hợp; hiếm khi tham gia các hoạt động vui chơi một cách lặng lẽ; nói liên tục, hay ngắt lời người khác...
Bảo Bảo (Theo Very Well Family)