Cà chua rất giàu phytochemical, lycopene cùng nhiều chất dinh dưỡng như kali, sắt, folate và vitamin C. Cà chua còn cung cấp các chất chống oxy hóa, các hợp chất phenolic như flavonoid, hydroxycinnamic axit, axit chlorogen, axit homovanillic và axit ferulic.
Thêm cà chua vào chế độ ăn uống hàng ngày có tác dụng phòng bệnh ung thư, duy trì huyết áp khỏe mạnh, giảm lượng đường trong máu ở người bệnh tiểu đường. Các carotenoid quan trọng như lutein và lycopene có thể ngăn ngừa tổn thương mắt do tia cực tím gây ra. Ăn cà chua nói chung là an toàn nhưng một số trường hợp nên hạn chế.
Bị trào ngược axit
Cà chua có tính axit cao có thể làm trầm trọng thêm bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Người bệnh ăn quá nhiều cà chua có thể dẫn đến ợ nóng, khó tiêu hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng hiện có.
Để kiểm soát chứng trào ngược axit, người bệnh có thể tiêu thụ một lượng nhỏ các món ăn từ cà chua như cà chua tươi, sốt cà chua, nước ép... Theo dõi các triệu chứng sau ăn để kiểm soát mức độ dung nạp của cơ thể.
Tăng nguy cơ mắc bệnh thận
Cà chua có hàm lượng kali cao, có thể không an toàn cho người mắc bệnh thận mạn tính nếu ăn quá nhiều. Một cốc (245 g) nước sốt cà chua có thể chứa 728 mg kali. Dung nạp quá nhiều kali có thể gia tăng căng thẳng cho thận, gây ra các biến chứng như nhịp tim không đều. Người gặp các vấn đề về thận nên hạn chế ăn cà chua sống hay các món như nước xốt, tương cà...
Người dị ứng cà chua
Một số người bị dị ứng với cà chua có thể gặp các triệu chứng như ngứa, sưng tấy, phát ban hoặc thậm chí là các vấn đề về tiêu hóa sau ăn. Dị ứng cà chua kéo dài có thể gây ra hội chứng dị ứng miệng hoặc kích ứng da.
Mắc hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là tình trạng ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, dạ dày và ruột. Các triệu chứng gồm đau bụng mạn tính, chuột rút và khó chịu. Ăn cà chua có thể gây khó chịu ở đường tiêu hóa, đầy hơi do hàm lượng chất xơ và tính axit cao. Điều này phổ biến ở những người mắc hội chứng ruột kích thích hay các vấn đề tiêu hóa thường gặp khác.
Mắc bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn là tình trạng hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Các loại điển hình bao gồm viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn và một số bệnh về tuyến giáp.
Một số tình trạng tự miễn dịch nhất định có thể trầm trọng hơn khi ăn cà chua, nhất là vào ban đêm. Điều này là do có chứa các hợp chất như alkaloid, có thể gây viêm ở người nhạy cảm. Nếu nghi ngờ ăn cà chua làm trầm trọng thêm triệu chứng, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Bảo Bảo (Theo Health Shots)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |