Ngáy xảy ra do mô ở phía sau cổ họng rung lên khi không khí di chuyển qua, tạo ra những âm thanh đặc trưng. Một số nguyên nhân chính gây nên tình trạng này bao gồm:
Cấu tạo miệng, họng bất thường: Những người dễ ngủ ngáy như amidan lớn, lệch vách ngăn mũi, lưỡi to, vòm khẩu cái mềm mở rộng, hẹp hầu bên... Tất cả các yếu tố này đều gây hẹp đường thở, khiến luồng không khí khi di chuyển qua gây ra tiếng ngáy.
Mắc các bệnh xoang mũi: Khi cảm lạnh hoặc dị ứng bùng phát, các mô bên trong mũi sẽ sưng lên. Kết quả là diện tích khoang mũi bị thu hẹp, luồng không khí từ mũi đi vào bị kẹt lại. Các bệnh như lệch vách ngăn và polyp mũi cũng gây ra tình trạng tương tự. Chứng phì đại cuốn mũi cũng là nguyên nhân dẫn đến ngáy ngủ. Bệnh gây sưng tấy ở niêm mạc đường mũi, ngăn chặn luồng không khí lưu thông.
Mệt mỏi: Cơ bắp yếu đi, mô cổ họng trở nên mềm hơn khi mệt mỏi. Một số người có xu hướng khịt mũi, sụt sịt nhiều hơn khi mệt mỏi cũng làm tăng nguy cơ ngáy ngủ.
Thai phụ: Phụ nữ mang thai thường tăng cân nhanh và có sự thay đổi của hormone estrogen trong cơ thể. Hai yếu tố này khiến cổ họng bị tắc nghẽn; từ đó tạo ra áp lực cho đường thở và gây ngáy. Giãn nở mạch máu do lượng huyết tương tăng nhanh vào tam cá nguyệt thứ ba có thể dẫn đến viêm mũi, sưng mũi hoặc ngáy ngủ.
Người cao tuổi: Khi già đi, lưỡi và các cơ bao quanh đường thở bị yếu dần, lưỡi dễ bị tụt xuống vòm họng, khó di chuyển. Người lớn tuổi nên tập các bài tập như lưỡi chạm mũi, nâng vòm miệng mềm, căng hàm... để giảm chứng ngáy do cơ yếu gây ra.
Béo phì, tăng cân: Lượng mỡ thừa phân bố nhiều ở khu vực đường hô hấp trên như đáy lưỡi, hầu họng khiến cổ họng bị thu hẹp. Lượng mô mỡ ở cổ họng càng lớn thì nguy cơ ngưng thở khi ngủ càng cao.
Uống rượu trước khi ngủ: Rượu làm thư giãn các cơ cổ họng, khiến chúng dễ bị chùng xuống, gây hẹp đường thở, cản trở lưu thông dòng khí ra vào hầu họng. Uống rượu bia còn làm giảm khả năng thở do nhịp thở chậm, hơi thở nông, dễ dẫn đến ngáy.
Nằm ngửa khi ngủ: Tư thế này cho phép lưỡi trượt trở lại phía sau cổ họng. Ngoài ra, các mô ở phía sau cổ họng cũng rủ xuống, làm tắc khí quản.
Dùng thuốc an thần: Một số loại thuốc an thần có thể làm tăng khả năng ngáy do tác dụng phụ làm giãn các cơ, bao gồm cả cơ cổ họng. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ thuốc đang dùng và tình trạng ngáy ngủ.
Người ngủ ngáy thường không biết mình có các triệu chứng, dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo.
Mệt mỏi không rõ nguyên nhân: Mệt mỏi vào ban ngày là dấu hiệu chính của giấc ngủ kém. Kết hợp với ngáy ngủ, đây có thể là một triệu chứng điển hình của chứng ngưng thở khi ngủ.
Tăng huyết áp: Ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng huyết áp. Ngáy do tắc nghẽn thường gây ra thiếu oxy, tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ máu cho các cơ quan khác.
Đau họng hoặc khô miệng vào buổi sáng: Người ngủ ngáy mạn tính và mắc chứng ngưng thở khi ngủ thường bị khô miệng và họng khi thức dậy do miệng mở ra khi ngủ.
Bảo Bảo (Theo Livestrong)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |