Mắc hen suyễn không có nghĩa bạn sẽ phải nói không với tất cả các môn thể thao. Trên thực tế, có những người bị hen suyễn từng trở thành vận động viên. Vấn đề là chọn môn thể thao phù hợp với thể trạng, không để việc tập thể dục trở thành thách thức với sức khỏe.
Tốt
Đi bộ: Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người trưởng thành đi bộ 3 lần trong một tuần đã cải thiện mức độ kiểm soát bệnh hen suyễn và thể lực mà không gây ra các cơn hen.
Các chuyên gia khuyên, người mắc hen suyễn nên đi bộ với tốc độ vừa phải, tăng dần trong 1-2 phút và giảm về mức bình thường; lặp lại việc thay đổi tốc độ trong 30 phút; khởi động trước khi đi bộ để tăng khả năng chịu đựng.
Yoga: Yoga giúp kiểm soát hơi thở. Những người tập yoga 1,5-2,5 giờ mỗi tuần có thể cắt giảm lượng thuốc điều trị hen suyễn.
Chơi golf: Không khí tự nhiên và thoáng đãng ở sân golf không chỉ giúp thư giãn mà còn an toàn với cơn hen suyễn. Các hoạt động của môn thể thao này khá nhẹ nhàng, người chơi không phải dùng sức nhiều.
Bơi lội: Môn thể thao lý tưởng cho người mắc bệnh hen suyễn là bơi lội vì người chơi có thể hít thở không khí có độ ẩm cao, ấm áp giúp mở rộng đường thở. Tư thế nằm ngang khi bơi giúp làm lỏng chất nhầy tích tụ ở đáy phổi. Lưu ý, điều quan trọng là cần lựa chọn những hồ bơi không clo, hóa chất này có thể kích thích cơn hen suyễn.
Bóng chuyền: Người chơi bóng chuyền cần di chuyển nhiều nhưng môn này vẫn là một lựa chọn tốt cho bệnh nhân hen suyễn. Bạn có thể điều chỉnh việc di chuyển trên sân, không nên chạy quá nhiều. Nếu thấy mệt do hoạt động liên tục, bạn có thể nghỉ ngơi trước khi quay lại trận bóng.
Không tốt
Đạp xe: Đi xe đạp với tốc độ chậm không ảnh hưởng đến cơn hen nhưng tăng tốc lên 30km/giờ, đạp xe lên núi, địa hình dốc có thể khiến người bệnh gặp rắc rối. Nhịp thở ra vào nhanh cần thiết để duy trì tốc độ này có thể làm khô đường thở, khả năng gây ra cơn hen suyễn cao.
Chạy marathon: Chạy marathon buộc người chạy phải thở nặng nhọc, việc thở hổn hển bằng miệng là cần thiết để hoàn thành quãng đường. Tuy nhiên, điều này làm khô và kích ứng đường thở.
Bóng rổ: Có quá nhiều hoạt động chạy lên chạy xuống sân, môn thể thao này buộc người chơi di chuyển liên tục, không có đủ thời gian để nghỉ ngơi. Điều đó không có lợi cho bệnh nhân hen suyễn.
Bóng đá: Tương tự bóng rổ, bóng đã đòi hỏi người chơi chạy liên tục với tốc độ cao. Nếu bạn bị hen suyễn, mức độ hoạt động này sẽ trở thành yếu tố kích thích bùng phát cơn hen.
Các chuyên gia lưu ý, thể dục thể thao tốt cho người mắc hen suyễn. Với bất cứ bài tập nào, bệnh nhân nên chú ý đến mức độ giới hạn, cũng như sức chịu đựng có cơ thể. Đối với những môn thể thao ngoài trời, trước khi tham gia người chơi nên quan tâm đến các tác nhân kích thích cơn hen như hanh khô, tác nhân dị ứng như phấn hoa...
Anh Chi (Theo Health)