Thực đơn của người bệnh tiểu đường nên bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất như tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ để đảm bảo năng lượng hoạt động trong một ngày, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. BS.CKII Trần Thùy Ngân, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, gợi ý các món ăn người bệnh tiểu đường nên chọn, cần hạn chế trong ngày Tết.
Thực phẩm nên chọn
Nhóm thực phẩm bột đường
Người bệnh tiểu đường có thể ăn các loại bánh truyền thống ngày Tết như bánh chưng, bánh tét có chứa nhiều chất bột đường. Chọn bánh chưng hoặc bánh tét gói ít thịt mỡ, chỉ ăn khoảng 150 g bánh chưng tương đương 1/8 cái bánh chưng. Mỗi lần ăn cách nhau ít nhất 8 giờ, nếu đã ăn bánh chưng thì bỏ cơm, miến hoặc các loại thức ăn chứa bột đường tương đương. Người bệnh nên chọn các loại bánh, kẹo có chỉ số đường huyết thấp (GI dưới 50). Các đồ uống tốt như trà xanh, nước lọc, sữa hạt, sữa đậu nành.
Nhóm thực phẩm giàu chất xơ
Người bệnh nên ăn các loại rau hấp, luộc. Trái cây ít ngọt, nhiều chất xơ nên chọn như bưởi, ổi, mận, táo, dâu tây, đào, táo, cam, đu đủ...; ăn trực tiếp tốt hơn xay nhuyễn hoặc chỉ ép lấy nước.
Các loại rau lá xanh có đầy đủ vitamin, khoáng chất có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Các loại rau này còn cung cấp kali, vitamin A, canxi, protein, chất xơ như cải bó xôi (rau bina, rau chân vịt), cải xoăn, bông cải xanh, bắp cải... Người bệnh nên thay thế các loại mứt bằng việc ăn các loại hạt gồm hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều, hạt bí, hạt dưa, hạt macca...
Nhóm thực phẩm giàu chất béo
Trong bữa ăn chính hoặc bữa phụ, người bệnh tiểu đường có thể dùng thực phẩm có chất béo (lipid) như dầu thực vật, phomai, bơ, sữa... Tuy nhiên, người bệnh nên dùng hạn chế (tối đa khoảng 2 muỗng cà phê chất béo trong một bữa chính) để tránh tăng lượng đường trong máu, gây ra gan nhiễm mỡ, tăng nguy cơ biến chứng huyết áp, tim mạch.
Nhóm thực phẩm giàu chất đạm
Các loại thực phẩm giàu chất đạm (protein) nên bổ sung như thịt gia cầm, thịt đỏ, cá, đậu, trứng. Thịt nạc có hàm lượng chất béo tương đối thấp nên ít calo hơn so với thịt mỡ. Thịt nạc cung cấp nguồn protein để xây dựng, sửa chữa các mô trong cơ thể. Protein cũng được biến thành glucose nếu cơ thể cần nhiều năng lượng hơn. Cá giàu protein, chứa omega-3 tốt (loại axit béo thiết yếu hỗ trợ chức năng não) nên ăn 340 g cá mỗi tuần, nhất là cá nhiều omega-3 như: cá hồi, cá thu, cá mòi.
Trứng, đậu cung cấp nguồn protein tốt cho cơ thể. Trứng chứa nhiều choline (chất dinh dưỡng tương tự vitamin B) có lợi cho não, giúp giảm viêm. Các loại đậu tạo ra nguồn protein ít chất béo, chứa các khoáng chất hữu ích như sắt tốt cho người bệnh tiểu đường.
Thực phẩm nên hạn chế
Người bệnh tiểu đường cần lưu ý những thực phẩm dưới đây để hạn chế vì nếu ăn nhiều sẽ tăng lượng đường trong máu, gây biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
Hạn chế ăn uống các loại đồ ngọt, nước giải khát, nước có gas, nước có chứa chất kích thích (cà phê), bánh kẹo, chocolate, các loại mứt, hoa quả sấy khô có chứa nhiều đường.
Không nên ăn chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa như bơ thực vật, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, sữa nguyên kem, phô mai, kem bánh quy giòn, mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ, bơ ca cao...
Hạn chế các thực phẩm đóng gói hoặc chế biến sẵn, các loại thịt muối, hạn chế dùng các nước chấm khi ăn... nên tiêu thụ dưới 2 g muối một ngày.
Các loại dưa món (cải chua, củ kiệu, dưa hành, dưa chua...), giò chả là những thực phẩm kích thích vị giác, giúp tiêu hóa, dễ ăn trong ngày Tết nhưng lại chứa nhiều đường, muối không tốt cho sức khỏe của người bệnh tiểu đường.
Người bệnh không nên ăn các nội tạng động vật. Hạn chế ăn thịt đông, thịt kho tàu, giò thủ vì chứa nhiều mỡ, giảm lượng miến để hạn chế chất đường, không nên ăn quá nhiều gạo, mì, bắp, khoai lang, khoai tây, không uống đồ uống có cồn chứa nhiều calo, đường.
Rượu, bia có thể gây tăng hoặc giảm đường huyết do cản trở tổng hợp glycogen, ảnh hưởng đến chức năng gan, làm rối loạn chuyển hóa. Người bệnh tiểu đường có thể uống bia nhưng không quá một lon bia, rượu vang cũng không uống quá nhiều (khoảng 148 ml rượu trong bữa ăn). Nếu đã uống rượu thì nên kiểm tra đường huyết vào ban đêm vì lúc đó lượng đường trong máu hạ thấp, người bệnh có huyết áp cao nên ngừng uống.
Bên cạnh thực đơn ngày Tết, người bệnh nên thường xuyên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng tốt hơn. Người bệnh cần đến bác sĩ ở bệnh viện có chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được hướng dẫn chế độ ăn uống lành mạnh, kiểm soát tiểu đường phù hợp với thể trạng nhằm tránh biến chứng nguy hiểm.
Mai Hoa