Gần 2/3 cơ thể người là nước. Mọi người cần uống đủ nước mỗi ngày để cơ thể thực hiện trao đổi chất. Với người bệnh tiểu đường, da thường khô, ngứa nên càng cần uống đủ nước. BS CKII Trần Thùy Ngân, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, chọn nước uống có thể giúp người tiểu đường ổn định đường huyết, phòng ngừa biến chứng hoặc ngược lại. Dưới đây là một số loại nước người bệnh nên dùng hoặc cần tránh.
Các loại nước nên uống
Nước lọc: Đây là loại nước uống tốt nhất để giữ đường huyết ổn định. Nước lọc chứa nguồn khoáng chất, giúp vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng rất cần thiết để nuôi dưỡng các tế bào, hỗ trợ mọi hoạt động của cơ thể.
Trà xanh: Nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh và một số đơn vị khác vào năm 2021, với hơn nửa triệu người tham gia cho thấy, người uống một ly trà xanh không đường mỗi ngày giúp ổn định đường huyết hơn so với người không uống trà.
Sữa hạt: Các loại sữa thông thường cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất nhưng với người bệnh tiểu đường lại chứa quá nhiều chất béo, năng lượng sẽ không tốt. Người bệnh cần sử dụng các loại sữa hạt ít năng lượng nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ chất cần thiết cho cơ thể.
Một số loại hạt tốt cho cơ thể như hạt dẻ cười, hạnh nhân, đậu phộng giúp giảm lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu. Hạt óc chó, hồ đào, quả phỉ làm tăng nồng độ cholesterol tốt (HDL). Người bệnh khi uống không bỏ thêm đường.
Sữa đậu nành: Đậu nành rất phổ biến tại Việt Nam nên dễ dàng mua tại chợ, siêu thị. Đậu nành chứa chất isoflavone góp phần cải thiện độ nhạy insulin ở người bị tiểu đường type 2, từ đó, các tế bào tăng khả năng phản ứng với insulin để chuyển hóa nhiều glucose hơn, giảm tình trạng đường tăng trong máu.
Loại đậu này còn giúp phòng tránh nguy cơ mắc bệnh tim nhờ góp phần giảm cholesterol toàn phần, triglyceride - chất béo trung tính và mỡ máu xấu (LDL) trong động mạch. Người bệnh tiểu đường nên uống sữa đậu nành không đường.
Các loại nước nên tránh
Theo bác sĩ Ngân, người bệnh tiểu đường không nên uống soda, nước tăng lực, rượu bia... để giảm nguy cơ tăng lượng đường trong máu, hạn chế biến chứng nguy hiểm.
Soda: Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng năm 2016 trên 1.695 người cho thấy, người ở độ tuổi trung niên nếu uống trên 3 loại nước uống có đường mỗi tuần có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn 46% so với người không uống. Nếu chỉ uống hai loại nước ngọt có đường hoặc nước trái cây mỗi tuần có nguy cơ bị tiểu đường type 2 cao hơn, nhất là khi người đó tăng hơn 2,7 kg trong 5 năm.
Nước tăng lực: Nước tăng lực có thể chứa nhiều caffeine, carbohydrate khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, tăng huyết áp, dễ gây mất ngủ... ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bia rượu: Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA), rượu có thể gây biến động lượng đường trong máu. Người bệnh chỉ uống tối đa mỗi ngày 14 ml rượu bình thường hoặc 147 ml rượu vang hay 350 ml bia.
Nước trái cây có đường: Nước trái cây thường được bổ sung thêm đường và loại bỏ chất xơ nên khi vào máu dễ hấp thụ, làm tăng lượng đường trong máu. Người bệnh nên ăn trái cây thay vì ép lấy nước, mỗi lần ăn chỉ nên ước chừng khoảng một nắm tay cho mỗi bữa.
Nước uống có ga: Đồ uống có đường được hấp thụ vào máu quá nhanh, khiến lượng đường trong máu tăng đột ngột, ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết.
Ngoài chọn thức uống hợp lý, người bệnh tiểu đường còn phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường. Thường xuyên tái khám định kỳ, có lộ trình điều trị phù hợp giúp hạn chế được những biến chứng nguy hiểm như cắt chân, suy thận, suy tim và các bệnh về mắt...
Mai Hoa