Rượu là thức uống phổ biến trong các dịp lễ. Tuy nhiên, nó có thể gây ra tác dụng phụ đối với cơ thể, nhất là khi uống quá nhiều. Kết hợp rượu với thực phẩm lành mạnh góp phần giảm một số tác động này.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, diêm mạch, yến mạch và bánh mì nguyên hạt là lựa chọn lành mạnh để dùng kèm với rượu. Carbohydrate phức tạp trong ngũ cốc nguyên hạt giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định. Đây là yếu tố rất quan trọng vì rượu có nguy cơ gây chóng mặt, mệt mỏi và thay đổi tâm trạng. Ngũ cốc nguyên hạt còn rất giàu chất xơ hỗ trợ tiêu hóa.
Protein nạc
Ăn các loại protein nạc như thịt gà, gà tây, cá, đậu khi uống rượu làm chậm quá trình hấp thụ thức uống này. Điều này có nghĩa là rượu đi vào máu chậm hơn, nhờ đó ngăn ngừa nồng độ cồn trong máu tăng đột ngột và giảm nguy cơ nhiễm độc. Protein rất cần thiết để sửa chữa các mô và duy trì khối lượng cơ bắp, có lợi sau một đêm uống rượu.
Chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh trong bơ, cá hồi, các loại hạt, dầu ô liu là món ăn kèm phù hợp khác cho các bữa ăn có rượu. Cơ thể mất nhiều thời gian để tiêu hóa chất béo nên giảm tốc độ hấp thụ rượu. Chúng cũng mang lại cảm giác no, giúp ngăn ăn uống quá nhiều. Chất béo tốt rất cần thiết cho não, góp phần phòng suy giảm nhận thức liên quan đến rượu.
Rau củ quả
Chúng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa thiết yếu hỗ trợ giảm căng thẳng oxy hóa và viêm do rượu gây ra. Dâu tây, việt quất và mâm xôi dồi dào chất chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại. Chuối giàu kali, bổ sung chất điện giải bị mất khi đi tiểu nhiều do rượu. Cam, bưởi và chanh cung cấp nhiều vitamin C, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ giải độc.
Thực phẩm lên men
Thực phẩm lên men như sữa chua, kim chi và dưa cải bắp chứa men vi sinh, có lợi cho sức khỏe đường ruột. Rượu có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn tốt trong ruột, dẫn đến các vấn đề tiêu hóa. Ăn thực phẩm lên men khi uống rượu góp phần duy trì hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh.
Các loại hạt
Các loại hạt là món ăn nhẹ giàu chất béo, protein và chất xơ lành mạnh, giúp làm chậm quá trình hấp thụ đồ uống có cồn. Các hạt cũng cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu như magiê, ngăn ngừa chuột rút cơ bắp và cải thiện chất lượng giấc ngủ, cả hai đều có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi rượu.
Các loại thảo mộc và gia vị
Kết hợp thảo mộc và gia vị vào bữa ăn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn. Với đặc tính chống buồn nôn, gừng ngăn ngừa chứng khó chịu ở dạ dày sau uống rượu. Nghệ có tác dụng giảm viêm do rượu gây ra, trong khi bạc hà hỗ trợ tiêu hóa, làm dịu dạ dày.
Trứng
Trứng giàu protein chất lượng cao, chứa các axit amin như cysteine, có thể phá vỡ acetaldehyde (một sản phẩm phụ có hại của quá trình chuyển hóa rượu). Ăn trứng khi uống rượu hỗ trợ chức năng gan, giảm nôn nao.
Ngoài ăn thực phẩm lành mạnh, áp dụng một số thói quen có lợi khi uống rượu cũng góp phần giảm tác dụng phụ. Uống chậm và giãn cách các đồ uống để ngăn ngừa tình trạng say xỉn và cho cơ thể thời gian để xử lý chất cồn. Nam giới chỉ nên uống tối đa hai ly rượu, còn phụ nữ là một ly rượu mỗi ngày.
Bảo Bảo (Theo Times of India)
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |