Mục tiêu điều trị bệnh tiểu đường là đưa đường huyết về mức ổn định bằng "bộ ba" gồm thuốc, dinh dưỡng, vận động. Trong đó, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng và có tác động đến lượng đường trong máu. Thực phẩm được chia làm nhiều nhóm như nhóm làm tăng đường huyết nhanh hoặc chậm, nhóm giúp hạ đường huyết...
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đình Mạnh Long, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết một số rau củ quả chứa các hoạt chất sinh học có thể hạ đường huyết, cải thiện dinh dưỡng và hỗ trợ điều trị tiểu đường.
Khổ qua (mướp đắng) góp phần ổn định đường huyết cho người bệnh tiểu đường. Lợi ích hạ đường huyết nhờ vào các hoạt chất triterpenoid, protein, steroid, alkaloid, hợp chất vô cơ, lipid và phenol...
Đậu bắp được trồng nhiều ở vùng nhiệt đới. Loại quả này ngon, dễ ăn, giàu chất xơ, nhiều vitamin, sắt, canxi có tác dụng chống oxy hóa, hỗ trợ chức năng tiêu hóa, giảm cân và phòng chống loãng xương.
Một phân tích trên 331 người bệnh tiền tiểu đường và tiểu đường type 2 tại Cộng hòa Nam Phi cho thấy đưa đậu bắp vào chế độ dinh dưỡng có thể giảm mức đường huyết lúc đói.
Hạt bí ngô cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể như sắt, canxi, vitamin A và C. Trái bí ngô chứa lượng carbohydrate cao dễ làm tăng đường huyết. Tuy nhiên, hạt bí ngô lại có nhiều hoạt chất như trigonelline, axit nicotinic (NA) và D-chiro-inositol (DCI) có khả năng hạ đường huyết và hỗ trợ kiểm soát chỉ số này ở người bệnh tiểu đường.
Củ cải được sử dụng trong nhiều món ăn. Bác sĩ Long cho biết các hoạt chất được chiết xuất từ củ cải như polyphenol, anthocyanin, chất chống oxy hóa có tác dụng tương tự với insulin giúp hạ đường huyết, cải thiện bệnh tiểu đường.
Nấm có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Loại rau này còn giàu chất xơ, các chất chiết xuất như protein, polyphenol, lectin, alkaloid, polysaccharides... mang đến lợi ích chống viêm, chống ung thư, giảm stress oxy hóa, tăng sức đề kháng, giảm cholesterol máu và ổn định huyết áp.
Đối với bệnh tiểu đường, nấm giúp ổn định đường huyết. Homopolysaccharide glucan là một trong những polysaccharide có hoạt tính sinh lý mạnh trong nấm như nấm mỡ, nấm sò (nấm bào ngư), nấm chân chim, nấm linh chi, nấm hương, nấm đầu khỉ... giúp chống lại hội chứng chuyển hóa như bệnh tiểu đường.
Bác sĩ Long lưu ý dù nhiều thực phẩm có khả năng hỗ trợ hạ đường huyết, nhưng người bệnh không nên xem đây là phương pháp thay thế cho thuốc điều trị. Người tiểu đường cần duy trì uống thuốc, ăn uống lành mạnh, vận động để đạt kết quả điều trị tốt nhất, phòng biến chứng nguy hiểm về sau. Bữa ăn cần đa dạng thực phẩm mỗi ngày để tránh nhàm chán, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |