Theo bác sĩ CKII Thân Thị Minh Trung, Phó trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khi mắc bệnh tiểu đường, người bệnh có nguy cơ phát triển các tình trạng tổn thương thần kinh ngoại biên, bệnh lý mạch máu ngoại vi và nhiễm khuẩn. Những tổn thương này có thể gây ra hàng loạt các biến chứng như bàn chân đái tháo đường, bệnh thận, bệnh võng mạc, thiếu máu cơ tim và bệnh mạch máu não...
Cơ chế gây biến chứng bàn chân đái tháo đường như sau:
Tổn thương thần kinh ngoại biên xảy ra khi lượng đường nạp vào cơ thể vượt quá mức cho phép, gây stress oxy hóa tế bào thần kinh. Khoảng 50 - 70% người bệnh đái tháo đường bị tổn thương thần kinh ngoại biên. Lúc này, chân mất đi sự nhạy cảm, người bệnh có thể không cảm thấy đau khi chân bị tổn thương, từ đó làm chậm trễ việc điều trị. Hậu quả là nhiễm trùng, loét, hoại tử và cắt cụt chi.
Ngoài ra, các sợi vận động bị ảnh hưởng do tổn thương thần kinh ngoại biên sẽ gây yếu cơ, teo cơ và liệt nhẹ. Từ đó làm biến dạng bàn chân, xuất hiện những nốt chai chân. Khi người bệnh đi nhiều, nốt chai bị rách, gây viêm và dẫn đến loét chân, hoại tử bàn chân. Đồng thời, người mắc biến chứng bàn chân đái tháo đường sẽ bị giảm tiết mồ hôi, gây khô da, suy giảm khả năng tự vệ, bàn chân trở nên dễ bị nhiễm khuẩn.
Bệnh lý mạch máu ngoại vi: là tình trạng xuất hiện các mảng xơ vữa và huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu, làm giảm lượng máu cung cấp đến các chi ở xa tim, đặc biệt là bàn chân. Khi các mảng đỏ xuất hiện trên da sẽ làm tăng nguy cơ loét, biến chứng vết loét và khó điều trị.
Nhiễm khuẩn là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nguy cơ cắt cụt chi dưới. Khi mắc phải bệnh lý bàn chân đái tháo đường, người bệnh sẽ bị suy giảm đáp ứng miễn dịch, dễ bị nhiễm khuẩn do các vết loét.
Bác sĩ Thân Thị Minh Trung khuyến cáo, ưu tiên hàng đầu trong điều trị bàn chân đái tháo đường là điều trị bảo tồn, cắt lọc triệt để mô hoại tử, nếu phải cắt cụt chi thì cắt ở mức thấp nhất có thể. Tuy được chăm sóc cẩn thận, các vết loét thường chậm liền, nguy cơ cắt cụt chi rất cao. Do đó, người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện các bất thường để kịp thời tầm soát và ngăn ngừa biến chứng phát triển.
Các dấu hiệu ban đầu của biến chứng bàn chân đái tháo đường là tê và châm chích ở bàn chân, sau đó lan lên đầu gối và hai tay; nóng rát, đau buốt bàn chân vào buổi tối. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các biện pháp tầm soát biến chứng bàn chân đái tháo đường bao gồm khám phản xạ gân xương, khả năng cảm nhận độ rung bằng dụng cụ rung âm thoa, đo độ nhạy cảm của da bằng monofilament, kiểm tra cảm giác đau bằng búa phản xạ và chẩn đoán điện.
Để phòng ngừa biến chứng bàn chân đái tháo đường, bác sĩ Minh Trung cho biết, kiểm soát đường huyết là phương pháp hiệu quả nhất. Khi đường huyết được kiểm soát tốt, triệu chứng tê tay chân cũng giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, một lối sống lành mạnh cũng ngăn ngừa phát triển loét hiệu quả.
Người bệnh nên lưu ý kiểm soát mỡ máu, huyết áp; bỏ thuốc lá và rượu bia; tập thể dục 30 phút mỗi ngày, duy trì cân nặng lành mạnh; không tự ý uống thuốc; dưỡng ẩm nhưng không ngâm chân; không đi chân trần kể cả trong nhà... Đặc biệt, người bệnh phải lưu ý bảo vệ bàn chân, nên thường xuyên vệ sinh, rửa bàn chân với nước ấm mỗi ngày, sau đó lau khô. Khi cắt móng cần cẩn thận, tránh lấy khoé, cắt thịt dư vì dễ làm nhiễm trùng. Người bệnh còn cần chú ý kiểm tra kẽ bàn chân, tình trạng móng,... để kịp thời phát hiện những bất thường như rối loạn cảm giác bàn chân, móng quặp, vết chai... Nếu bàn chân xuất hiện vết thương hoặc có bất thường, đừng tự xử lý, hãy liên hệ với bác sĩ để được chăm sóc cẩn thận, tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Phi Hồng