Người bị ngộ độc thực phẩm có thể gặp các triệu chứng như đau quặn bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, sốt... Các vi khuẩn và virus dễ gây ngộ độc thực phẩm như Salmonella, Campylobacter, Listeria, Norovirus, Rotavirus, E. coli...
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, điều trị ngộ độc thực phẩm phụ thuộc vào nguồn gốc của bệnh và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng mắc phải. Đối với hầu hết mọi người, triệu chứng sẽ thuyên giảm và tự khỏi mà không cần điều trị trong vòng vài ngày đến một tuần. Người bị ngộ độc thực phẩm cần chăm sóc sức khỏe để chóng hồi phục bằng những cách dưới đây.
Giữ đủ nước
Người bệnh cần cung cấp đủ nước cho cơ thể khi tiêu chảy kéo dài. Theo tiến sĩ Khanh, bổ sung chất lỏng và chất điện giải - các khoáng chất như natri, kali và canxi giúp duy trì sự cân bằng trong cơ thể. Nước trái cây và nước dừa có thể phục hồi carbohydrate và giảm mệt mỏi. Dấu hiệu cho thấy bạn được nhận đủ chất lỏng là đi tiểu bình thường, nước tiểu trong, không sẫm màu.
Một số trẻ em và người lớn bị tiêu chảy kéo dài hoặc nôn nhiều cần nhập viện điều trị bằng truyền dung dịch muối, điện giải qua tĩnh mạch để ngăn ngừa mất nước.
Ngừng ăn uống trong vài giờ
Ngộ độc thực phẩm thường cải thiện mà không cần điều trị trong vòng 48 giờ. Để giúp bản thân thoải mái hơn và ngăn ngừa tình trạng mất nước, bạn nên uống từng ngụm nước nhỏ và ngừng ăn uống trong vòng vài giờ để dạ dày được ổn định dần.
Mất nước, tiêu chảy kéo dài có thể khiến cơ thể yếu và mệt mỏi. Sau vài giờ, bạn ăn uống trở lại với thức ăn nhạt, ít chất béo, dễ tiêu hóa, lưu ý nên ngừng ăn nếu buồn nôn. Một số thực phẩm cần tránh như sữa, caffein, rượu, nicotine, thực phẩm béo hoặc nhiều gia vị cho đến khi cảm thấy sức khỏe ổn định.
Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi là một trong những cách giúp cơ thể tự chữa lành do ngộ độc thực phẩm. Tránh làm việc nặng, giữ tâm trạng thoải mái, tập trung nghỉ ngơi đầy đủ và ngủ đúng giờ giúp bạn phục hồi sức khỏe nhanh hơn.
Theo tiến sĩ Khanh, hầu hết mọi người không cần trợ giúp y tế khi bị ngộ độc thực phẩm, vì các triệu chứng thường không nghiêm trọng và không kéo dài. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm nguy cơ cao như người đang mang thai, người già hoặc rất trẻ, hệ miễn dịch yếu do bệnh tật... có thể xảy ra các biến chứng nghiêm trọng khi bị ngộ độc. Nếu người bệnh xuất hiện tiêu chảy kéo dài vài ngày hoặc tiêu ra máu, sốt cao trên 38,9 độ C kèm theo khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, khó giữ chất lỏng, nước tiểu có máu... cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Tiến sĩ Khanh khuyên, cách tốt nhất để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm là xử lý thực phẩm một cách an toàn. Một số loại thực phẩm có nhiều khả năng gây ngộ độc do cách sản xuất và chế biến. Các tác nhân truyền nhiễm có trong một số thực phẩm như thịt, trứng, động vật có vỏ sẽ bị tiêu diệt trong quá trình nấu nướng.
Các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm là rửa tay trước khi nấu hoặc ăn, đảm bảo thực phẩm được đậy kín và bảo quản đúng cách, nấu chín kỹ thịt và trứng, vệ sinh bất cứ thứ gì tiếp xúc với sản phẩm thô trước khi sử dụng để chế biến các loại thực phẩm khác, rửa sạch trái cây và rau quả trước khi ăn.
Lục Bảo