Những sai lầm dễ dẫn đến chấn thương thể thao
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà (Khoa Y học thể thao và Nội soi, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, chấn thương thể thao có liên quan trực tiếp tới những khía cạnh thể thao, bao gồm điều kiện tập luyện, bài tập, động tác kỹ thuật và khả năng xử lý tình huống của cá nhân. Các hoạt động này có thể khiến chấn thương xảy đến bất ngờ hoặc lặp đi lại lại do tình trạng quá tải ở một phần bất kỳ trên cơ thể.
Những yếu tố chủ quan dẫn đến chấn thương trong thể thao có thể kể đến là tuổi tác và kinh nghiệm thi đấu. Thông thường, người chơi thể thao từ 30 tuổi trở lên, phản ứng đã bắt đầu kém dần. Nếu tình trạng sung sức không đầy đủ hoặc phản xạ không đủ linh hoạt để xử lý tình huống, người chơi thể thao rất dễ bị chấn thương. Người có thể trạng yếu thường dễ bị tổn thương hơn người có thể lực đầy đủ. Ngoài ra, người to béo cũng dễ gặp tình trạng này.
Theo bác sĩ Song Hà, người chơi thể thao thường mắc các sai lầm khi khởi động có thể dẫn đến chấn thương như: khởi động không đủ thời gian và cường độ, cơ thể chưa theo kịp; không tuần tự từ đơn giản tới phức tạp, từ nhẹ tới mạnh, từ chậm tới nhanh.
Ngoài ra, một số sự thay đổi trong cách tập luyện thi đấu cũng dễ dẫn tới chấn thương như: tập luyện trở lại sau thời gian nghỉ do bệnh hoặc do nghỉ hè, cơ thể chưa đáp ứng kịp. Tất cả các mô, các cơ quan cần thời gian tuần tự lâu hơn để thích nghi; phối hợp thêm những môn thể thao mới trong khi cơ thể chưa quen với môn này; gặp đối thủ có trình độ cao hơn. Thi đấu với cường độ quá tải; tình trạng stress kéo dài hoặc áp lực trong khi tập luyện, thi đấu là những yếu tố làm người chơi thiếu tập trung, dễ dẫn tới chấn thương ngoài ý muốn.
Nếu người chơi thể thao có các dị tật từ trước như chân vòng kiềng, bàn chân lõm, tay cán giá... hoặc một số bệnh từ trước như gout, viêm khớp dạng thấp, đau răng, cảm lạnh... cũng dễ bị chấn thương. Ngoài ra, tình trạng này còn thường gặp ở những vận động viên có những thói quen sinh hoạt không tốt như lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, dinh dưỡng không đảm bảo hoặc bị thiếu ngủ.
Song song đó, theo bác sĩ Song Hà các nguyên nhân gây chấn thương thuộc về những yếu tố khách quan cũng khá phổ biến như: bề mặt địa điểm thi đấu, trang thiết bị và dụng cụ thi đấu, tập luyện không đủ tiêu chuẩn an toàn. Khí hậu quá nóng hoặc quá lạnh cũng ảnh hưởng rất lớn. Sân tập quá cứng, nơi tập luyện, thi đấu ở vùng cao, lượng oxy kém, cơ thể không có đủ thời gian để thích nghi... có thể dẫn đến nguy cơ chấn thương.
Cách phòng tránh chấn thương thể thao
Để hạn chế các chấn thương khi chơi thể thao, bác sĩ Song Hà khuyên người chơi nên lưu ý đến trang thiết bị và dụng cụ tập luyện. Ví dụ như vợt luôn có kích thước và trọng lượng phù hợp cho từng cơ thể. Giày không được quá chật hoặc quá rộng, trọng lượng nhẹ để linh hoạt khi di chuyển. Tốt nhất, vận động viên nên đo độ cong vòm của bàn chân để đặt riêng các phần lót giày để giảm tải trọng lực lên gót chân và bàn chân, tránh các chấn thương ở chân khi hoạt động cường độ cao và kéo dài.
Để phòng ngừa chấn thương thể thao, vận động viên luôn đảm bảo phải được tập luyện ít nhất 3 tuần trước khi thi đấu, luôn có sự giám sát và tư vấn của huấn luyện viên, bác sĩ thể thao. Đảm bảo chích ngừa đầy đủ các bệnh sốt bại liệt, sởi, phong đòn gánh, bạch hầu, ho gà, đậu mùa, thương hàn, viêm gan siêu vi... Chú ý chăm sóc các tổn thương ở da, phòng ngừa bằng cách giữa chân tay khô, tránh mặc quần áo quá bó sát, rửa sạch tay và chân bằng xà phòng sau mỗi trận đấu hoặc lúc tập luyện, tránh sử dụng chung khăn. Vận động viên không nên xem thường các tổn thương da vì có ảnh hưởng lớn tới khả năng thi đấu.
Anh Đài