Sữa đóng một vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của trẻ, từ giai đoạn sơ sinh, mới biết đi đến thanh thiếu niên. Theo ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, có nhiều loại sữa khác nhau, cung cấp hàm lượng dinh dưỡng từ khi sinh ra đến các giai đoạn phát triển trong cuộc đời trẻ. Các loại sữa mà trẻ em có thể uống bao gồm: sữa bò (gồm sữa nguyên kem, 2%, 1%, không béo hoặc ít béo và có hương vị như sữa chocolate); sữa dê; các sản phẩm thay thế sữa (như gạo, hạnh nhân, đậu nành, dừa, hạt điều và yến mạch).
Đặc biệt, sữa bò cung cấp nhiều loại vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác mà trẻ cần để hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển. Trong đó, sữa bò tự nhiên chứa protein, canxi, kali và vitamin B12; sữa bò bổ sung thêm vitamin D (được thêm vào trong quá trình chế biến) và vitamin A được thêm vào sữa ít béo và không béo. Đây là những chất dinh dưỡng quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển nên Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến nghị, trẻ nhỏ hơn nên uống 2 cốc sữa mỗi ngày và trẻ lớn hơn là 3 cốc.
Bác sĩ Tùng nhấn mạnh, sữa bò hoặc các sản phẩm từ sữa bò đều mang đến lợi ích dinh dưỡng cho trẻ sau 12 tháng tuổi (không bị dị ứng sữa). Liều lượng khuyến nghị với trẻ nhỏ là: 2-3 ly sữa tương đương với khoảng 400-600 ml sữa mỗi ngày. Ngoài uống sữa, trẻ cũng cần ăn thêm một số thực phẩm khác giàu canxi và vitamin D để đạt được lượng vitamin D khuyến nghị hàng ngày, tương đương 600 IU.
Nếu con không uống sữa, phụ huynh có thể chọn các thực phẩm từ sữa thay thế mà vẫn có giá trị dinh dưỡng tương đương, chẳng hạn như phô mai, sữa chua hay các thực phẩm giàu canxi và vitamin D khác. Bác sĩ Duy Tùng cho biết, trẻ em vẫn có thể được cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày mà không cần uống sữa thông qua chế độ ăn uống được lên kế hoạch một cách lành mạnh. Những trẻ không thích sữa bò dạng lỏng hoặc mắc chứng không dung nạp đường sữa, cha mẹ cần cho trẻ ăn các chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm thay thế sữa bò khác.
"Chế độ ăn của trẻ không uống được sữa phải bao gồm các loại thực phẩm giàu protein, canxi, kali và vitamin A, B12 và D để đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển", bác sĩ Tùng nói.
Ngoài ra, những trẻ mắc chứng dị ứng sữa hay không dung nạp lactose cần sử dụng những loại sữa chuyên biệt. Các dấu hiệu dị ứng sữa ở trẻ có thể bao gồm phát ban, thở khò khè, nôn mửa, tiêu chảy hoặc thậm chí là sốc phản vệ. Một số trẻ có thể hết chứng dị ứng sữa khi lớn lên.
Chứng không dung nạp đường sữa là trường hợp trẻ có thể ăn một số sản phẩm sữa nhưng bị đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn nếu ăn quá nhiều. Không giống như dị ứng sữa, không dung nạp đường sữa khiến trẻ không tiêu hóa hết lượng đường lactose trong sữa vì không có đủ enzyme cần thiết.
Ở trường hợp này, trẻ thường có thể dung nạp một lượng sữa nhất định (hàm lượng tùy thuộc vào từng trẻ). Chẳng hạn, trẻ chỉ xuất hiện các triệu chứng nếu uống nhiều hơn 300 ml sữa, còn uống 200 ml thì không sao. Trong các trường hợp dị ứng hoặc không dung nạp được sữa, cha mẹ nên đưa con thăm khám để bác sĩ chuyên khoa đưa ra các khuyến nghị dinh dưỡng phù hợp với tình trạng của trẻ.
Bảo Bảo