Theo bác sĩ Trần Thị Trà Phương - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, các biểu hiện dị ứng thường sẽ xuất hiện sau vài giờ hoặc vài ngày khi trẻ bắt đầu uống sữa. Trẻ bú sữa mẹ sẽ ít nguy cơ dị ứng hơn so với trẻ uống sữa công thức. Phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu trẻ dị ứng sữa từ nhẹ đến nguy kịch.
Da nổi mẩn đỏ (mề đay): bé nổi mẩn chủ yếu ở vùng má, quanh miệng. Cha mẹ cần chú ý phân biệt khi trẻ bị nổi mẩn đỏ hoặc phát ban trên da như chàm (eczema), mày đay, ngứa hoặc sưng phù quanh mặt.
Trẻ gặp vấn đề hô hấp: khò khè, khó thở, khàn tiếng, có đờm trong mũi và họng, đây có thể là biểu hiện của phản ứng với protein trong sữa.
Buồn nôn, nôn ra sữa: trẻ sơ sinh thường trớ ít sữa khi ăn nhưng nếu nôn trớ nhiều, biểu hiện xuất hiện ngoài giờ ăn thì phụ huynh cần đưa bé đến gặp bác sĩ.
Trẻ cáu gắt, quấy khóc: nếu như trẻ sơ sinh đột ngột khóc kéo dài, khóc không dứt cơn có thể đau bụng do bị dị ứng với protein trong sữa công thức.
Đau bụng, tiêu chảy: tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng và xảy ra thường xuyên từ khoảng 2-4 lần mỗi ngày trong vòng hơn một tuần và hoặc có tia máu trong phân là dấu hiệu quan trọng khi trẻ bị dị ứng sữa.
Sốc phản vệ: trong một số trường hợp nặng, trẻ có thể bị sốc phản vệ với các dấu hiệu co giật đau bụng tím tái, cơ thể chân tay mềm nhũn, hôn mê bất tỉnh đe dọa đến tính mạng. Phụ huynh cần phải đưa bé đi bệnh viện ngay lập tức.
Bác sĩ Phương lý giải, dị ứng sữa là tình trạng khi trẻ uống sữa nhưng hệ thống miễn dịch phòng vệ của cơ thể hiểu nhầm các protein trong sữa là kháng thể lạ gây hại. Lúc này cơ thể bắt đầu hoạt động để chống lại chúng, gây nên biểu hiện dị ứng. Tùy thuộc vào dấu hiệu dị ứng sữa của trẻ mà bác sĩ có thể xác định được mức độ nghiêm trọng của phản ứng.
Cách xử trí
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để hạn chế tình trạng dị ứng sữa, mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và có thể tiếp tục cho đến 24 tháng.
Trong trường hợp trẻ phải sử dụng sữa công thức thì phụ huynh lưu ý cho trẻ tập uống sữa với số lượng ít. Nếu thấy an toàn, cha mẹ có thể điều chỉnh tăng thêm lượng uống ở những lần tiếp theo.
Phụ huynh cần lưu ý trẻ dị ứng sữa chéo cả sữa bò, sữa dê, sữa đậu nành. Bên cạnh đó, cha mẹ cần xem xét trẻ có xuất hiện tình trạng này với những chế phẩm từ sữa đã qua xử lý nhiệt. Có trường hợp trẻ dị ứng với tất cả các chế phẩm từ sữa bò như sữa chua, phô mai, bánh quy...
Sử dụng test lẩy da giúp chẩn đoán dị ứng sữa ở trẻ. Phụ huynh cần lựa chọn sữa phù hợp để tránh tình trạng dị ứng ở bé.
Sữa thủy phân bán phần: Protein trong sữa dựa trên công nghệ thực phẩm sẽ cắt nhỏ thành các peptide ngắn, làm giảm tình trạng dị ứng, giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn.
Sữa thủy phân hoàn toàn amino acid: Trong đó có các protein sữa được cắt nhỏ. Tuy nhiên, sữa này sẽ có vị đắng, trẻ có thể nhận biết được vị và khó uống.
Nếu trẻ đơn thuần chỉ dị ứng sữa bò, không dị ứng chéo có thể cho bé uống sữa dê, hoặc protein đạm đậu nành, sữa gạo...
Hoài Thương