Amidan là tổ chức lympho phía sau hai bên họng. Amidan hoạt động với vai trò tạo miễn dịch và chống lại vi khuẩn xâm hại cơ thể. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động có thể xảy ra những rối loạn, khiến cho amidan bị viêm cấp tính hoặc chuyển sang viêm mạn tính. Tùy tình trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp như dùng thuốc kết hợp thay đổi lối sống, phẫu thuật cắt amidan.
Chỉ định cắt amidan dựa trên hai nhóm nguyên nhân lớn là viêm nhiễm hoặc phì đại gây tắc nghẽn. Ví dụ, bác sĩ sẽ xem xét cắt amidan khi bệnh nhân bị viêm amidan tái diễn nhiều lần trong năm, gây biến chứng hôi miệng ảnh hưởng giao tiếp. Amidan áp xe tạo mủ hoặc phì đại quá mức gây ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ.
ThS.BS.CKI Phạm Thái Duy, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết cắt amidan là phẫu thuật phổ biến trong điều trị bệnh lý tai mũi họng. Đây là phẫu thuật tương đối dễ thực hiện và an toàn nếu được tiến hành tại các cơ sở y tế đầy đủ trang thiết bị. Cắt amidan khá phổ biến nhưng vẫn có một số lầm tưởng về phẫu thuật này như sau:
Cắt amidan gây mất máu nhiều: Chảy máu là điều xảy ra trong mọi cuộc mổ, cắt amidan cũng không ngoại lệ. Chảy máu sau cắt amidan chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và thông thường tự cầm. Tình trạng chảy máu lượng nhiều cần phải đến bệnh viện cầm máu rất hiếm gặp.
Tại một số bệnh viện lớn, trong đó, có Bệnh viện Tâm Anh, việc ứng dụng công nghệ Coblator, dao Plasma cắt amidan giúp giảm thiểu nguy cơ chảy máu sau mổ. Đây là công nghệ có khả năng cắt, đốt và cầm máu đồng thời trong quá trình phẫu thuật.
"Sau phẫu thuật cắt amidan, người bệnh nên nghỉ ngơi ít nhất hai tuần, tránh vận động mạnh, ăn thức ăn mềm, nguội, dễ tiêu hóa và giữ vệ sinh răng miệng để tạo điều kiện cho vết mổ lành thương tốt nhất", bác sĩ Duy nói.
Cắt amidan khiến họng mất chức năng bảo vệ: Amidan có vai trò như "người gác cổng", thực hiện chức năng miễn dịch và chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại. Vai trò này bắt đầu khi trẻ trong độ tuổi từ 18 tháng đến 9 tuổi, mạnh mẽ nhất lúc 4-6 tuổi và giảm dần sau đó. Ở người lớn, việc cắt bỏ amidan khi amidan bị viêm hoặc phì đại mang lại lợi ích nhiều hơn. Đối với trẻ em, amidan chỉ thực hiện chức năng miễn dịch khi nó khỏe mạnh. Khi amidan bị viêm nhiễm thường xuyên, chức năng của nó sẽ không còn được đảm bảo.
Bác sĩ Duy cho biết, khi thăm khám bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và bất lợi khi cắt hoặc giữ amidan nhằm mang lại sự phát triển tối ưu cho trẻ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy cắt bỏ amidan ở trẻ em cũng không gây ra sự khiếm khuyết đáng kể so với những trẻ không cắt amidan.
Nguy cơ câm và bị thay đổi giọng nói: Về mặt giải phẫu, amidan nằm ở vùng họng miệng. Dây thanh âm - cơ quan đảm nhận chức năng phát ra âm thanh nằm ở vùng hạ họng. Về khía cạnh phẫu thuật, chúng không có sự liên quan đến nhau. Quan điểm cắt amidan có thể bị câm hoặc thay đổi giọng nói vĩnh viễn là chưa chính xác.
Một số người bệnh sau phẫu thuật cắt amidan có cảm giác đau cổ hoặc khàn tiếng. Đây là triệu chứng thoáng qua và thường hết sau vài ngày. Do trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được đặt nội khí quản. Một ống thở trong thanh - khí quản có thể gây phù nề nhẹ vùng này, cùng với việc phẫu thuật trong họng có thể gây thêm lo lắng cho người bệnh nếu không được giải thích rõ.
Bác sĩ Duy chia sẻ thêm, hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ Coblator, dao Plasma thế hệ mới với nhiệt độ thấp 60-70 độ C, phẫu thuật cắt amidan được thực hiện nhẹ nhàng, nhanh chóng trong 30 phút, loại bỏ triệt để ổ viêm, không làm tổn thương các mô xung quanh. Bệnh nhân hồi tỉnh sau mổ 10 phút, có thể nói chuyện, ăn uống sau ba giờ và xuất viện trong vòng 24 giờ nằm viện. Thủ thuật này không gây tái phát áp xe quanh amidan, không ảnh hưởng giọng nói.
Hà Phượng