Trả lời:
Viêm amidan là một trong những bệnh tai mũi họng thường gặp ở trẻ em. Bệnh thường tái lại nhiều lần và rất dễ gây biến chứng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ.
Amidan là tổ chức lympho phía sau hai bên họng. Đây là khu vực sản xuất kháng thể IgG và là hàng rào miễn dịch đặc hiệu cho trẻ. Khi cơ thể ở trạng thái khỏe mạnh, amidan hoạt động như một bộ lọc, bảo vệ cơ thể và hệ thống mũi họng khỏi những tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus, nấm. Tuy nhiên, khi có quá nhiều sự tấn công từ tác nhân gây hại, amidan bị suy yếu, dễ bị sưng và viêm.
Trẻ bị viêm amidan kéo dài thường có tình trạng viêm VA và gây biến chứng viêm tai giữa, viêm mũi xoang và viêm phế quản phổi. Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp phải các biến chứng xa của viêm amidan như viêm cơ tim, viêm khớp dạng thấp, viêm vi cầu thận... Đây là các biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
Trường hợp trẻ bị viêm amidan tái phát hơn 5 lần một năm, amidan quá phát, áp xe amidan, ngưng thở khi ngủ..., bác sĩ sẽ xem xét chỉ định cắt amidan. Sau khi cắt amidan, sức đề kháng của trẻ không giảm sút mà ngược lại còn phòng ngừa được nguy cơ nhiễm bệnh nặng hơn.
Nếu có chỉ định cắt amidan, phụ huynh nên thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trẻ viêm amidan nhiều nhất là 3-6 tuổi hoặc lớn hơn. Đây là độ tuổi cơ thể phản ứng nhiều nhất trên hệ thống lympho amidan và VA.
Một số kỹ thuật cắt amidan hiện đại hiện nay không gây đau cho trẻ. Chẳng hạn như Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ứng dụng Coblator công nghệ plasma cắt amidan cho trẻ em. Đây là kỹ thuật sử dụng dao mổ nguồn nhiệt thấp, cầm máu tại chỗ để nhanh chóng loại bỏ toàn bộ tổ chức amidan quá phát. Thời gian thực hiện chỉ khoảng 30 phút, hạn chế được lượng thuốc mê phải sử dụng. Trẻ không đau nên không ảnh hưởng đến tâm lý, có thể nói chuyện, ăn uống sau phẫu thuật 3 giờ và xuất viện sau 24 giờ.
Trong thời điểm giao mùa như hiện nay, trẻ rất dễ mắc phải các bệnh về tai mũi họng. Để phòng ngừa viêm amidan và các bệnh tai mũi họng nói chung, phụ huynh cần chú ý bổ sung đầy đủ những dưỡng chất cần thiết giúp củng cố hệ miễn dịch và tăng cường sức khỏe cho trẻ. Trẻ cần bổ sung trái cây giàu vitamin C, các loại quả mọng, rau xanh (bông cải xanh, rau cải bó xôi), cà rốt... hoặc thêm các loại vitamin C, E, A từ thực phẩm bổ sung để làm giảm tình trạng viêm.
Phụ huynh nên nhắc trẻ súc miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lý để vệ sinh họng, miệng và uống nhiều nước. Nhà cửa, khu vui chơi của trẻ phải luôn được vệ sinh sạch sẽ. Đeo khẩu trang cho con khi đến nơi đông người, rửa tay bằng nước sát khuẩn thường xuyên, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM