Gần đây, dư luận xôn xao về vụ việc một nữ sinh lớp 12 văng tục, xúc phạm thầy giáo ngay trong giờ học. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến chỉ tập trung vào việc nữ sinh bị "sang chấn tâm lý" thế nào chứ không thấy ai đề cập đến giáo viên cảm thấy ra sao khi bị học trò chửi bới thậm tệ? Liệu thầy giáo có bất ổn về mặt tâm lý không? Hay mặc định rằng thầy cô chẳng làm sao cả, trong khi họ cũng chỉ là con người.
Tôi tự hỏi người thầy trong vụ việc trên sẽ có suy nghĩ gì khi bị sỉ nhục ngay trong giờ làm việc, lại còn là giữa bục giảng thiêng liêng trong lớp học, nơi thầy cô đáng ra phải được tôn trọng ở mức cao nhất? Tiếc rằng, không mấy ai thông cảm cho giáo viên, thậm chí còn trách ngược lại họ vì đã đôi co với học trò dẫn tới hành động thiếu kiềm chế của nữ sinh. Chẳng lẽ cứ là giáo viên thì phải chấp nhận việc bị học trò xúc phạm, chửi bới, để học trò thích làm gì thì làm?
Nếu giáo viên đuổi học sinh ra khỏi lớp hay đánh đòn em đó, sẽ có nguy cơ bị xử phạt, thậm chí bị đuổi việc. Còn nếu áp dụng những hình thức kỷ luật khác như hạ hạnh kiểm thì có khi giáo viên lại bị phụ huynh học sinh làm to chuyện. Rồi sau đó, Ban giám hiệu vì bệnh thành tích mà ''nương tay'' với học sinh, khiển trách ngược lại giáo viên.
Nhiều người trong chúng ta lớn lên bằng một tâm thế "đổ lỗi" từ nhỏ: khi bị ngã thì lỗi do cái nền nhà, do cái xe... thay vì nhìn thẳng sự thật là do bản thân bất cẩn. Nữ sinh trên đang học lớp 12, tức là ở độ tuổi không còn nhỏ nữa và chỉ vài tháng nữa là chính thức đủ tuổi thành niên, hoàn toàn ý thức được về hành động của mình. Một điều đáng buồn nữa là không có một em học sinh nào đứng ra bảo vệ thầy, lên tiếng yêu cầu nữ sinh kia ngừng xúc phạm giáo viên, thậm chí khi sự việc diễn ra, trong lớp còn có tiếng cười đùa, hùa theo... Cá nhân tôi thấy rất buồn và thất vọng vì thái độ này.
Nếu xử lý không khéo trường hợp này, chắc chắn sẽ tạo ra rất nhiều tiền lệ xấu về sau, rằng các học sinh có thể xúc phạm thầy cô giáo rồi về nhà trách ngược lại họ, lấy lý do bị trầm cảm, sang chấn tâm lý, do tuổi dậy thì, tâm lý bất ổn... để được bao bọc và chẳng bị sao cả. Chỉ có các thầy cô - những nạn nhân của sự xúc phạm, miệt thị - lại trở thành người bị xử phạt, bị trách móc vì "không nắm bắt tâm lý học sinh" hay "hành xử thiếu kinh nghiệm". Từ đó, tạo ra những cá thể học sinh coi trời bằng vung, coi giáo viên như đầy tớ, coi luật pháp và quy định như trò đùa.
Người ta thường hay nói vui với nhau rằng "có ba nghề bạc nhất, một là bác sĩ, hai là giáo viên và ba là bộ đội". Một nghề bị bệnh nhân hành hung lúc nào không biết, bị cầm tay chỉ việc; một nghề cứ hở ra là bị quay phim, dọa đuổi việc, trên đe dưới búa; một nghề thì vất vả trăm bề, nơi nào khó khăn là có mặt. Chúng ta cũng thường hay nói câu "trăm sự nhờ thầy cô" mỗi khi đưa con đến lớp, nhưng giờ có lẽ phải đổi lại thành "trăm sự đổ vạ thầy cô" mới đúng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.