Bàn về câu chuyện trường chuyên, nhiều người hay đòi hỏi sự công bằng trong giáo dục một cách chung chung. Nhưng thực tế học sinh ở ta từ xưa đã không có được sự giáo dục một cách công bằng. Chúng ta đào tạo các thế hệ học sinh, sinh viên ra trường để các em làm việc được ở các công ty, xí nghiệp. Nhưng chúng ta có nghiên cứu, theo dõi và lắng nghe các nhà tuyển dụng nói gì chưa? Phần đông sinh viên Việt nam ra trường được tuyển dụng khi vào làm việc, đều phải đào tạo lại từ đầu. Vậy mấu chốt nằm ở đâu?
Tôi thuộc thế hệ 7x được đào tạo ở Việt Nam và sau đó qua Tây Đức học đại học. Tôi nhận thấy rằng, quá trình học đại học đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Mà học đại học thật ra là học một cái nghề, để ra trường sinh viên có thể đi làm được.
Tôi thấy bên các nước phương Tây, học sinh học phổ thông học rất nhàn: kiến thức dễ hơn, ít hơn, học sinh chủ yếu học những dạng căn bản và mục đích phục vụ kiến thức cần thiết khi lên học đại học. Còn học phổ thông của ta lại quá khó và kiến thức phổ thông khi lên học đại học sử dụng chưa chắc được nổi 10%. Nói cách khác, chúng ta học không hiệu quả, kiến thức thiên về hàn lâm, không thực tiễn.
Phương Tây chú trọng vào học nghề và đại học. Họ tập trung cải tiến phương pháp giảng dạy ở bậc học nghề và đại học (với mục đích lớn nhất là học để ra đi làm). Thế nên, phương pháp giảng dạy của họ chủ yếu theo công thức: 30% thực hành tại các công ty, xí nghiệp (các trường đại học liên kết chặc chẽ với các công ty, xí nghiệp. Sinh viên ra trường có thể làm cho họ luôn) và 70% là lý thuyết. Tức là, trong quá trình học, sinh viên đã được làm việc, tiếp xúc với máy móc và cách làm việc hiện đại.
>> Tôi ước độ dày sách giáo khoa giảm một phần ba
Cái hay của cách đào tạo này là: Thứ nhất, sinh viên học lý thuyết đi đôi thực hành nên các em dễ tiếp thu hơn. Còn ở Việt Nam, đôi khi học một đằng, thi một nẻo, học nặng lý thuyết nhưng đã lạc hậu và học không biết để làm gì. Thứ hai, khi ra trường, sinh viên phương Tay làm việc được ngay. Trong khi ở ta, nhiều Giáo sư, Tiến sĩ có kiến thức đã lạc hậu ít nhất 10 năm, cũng chưa chắc đi làm được việc. Điều này hoàn toàn trái ngược với các nước phát triển, khi Giáo sư lúc nào cũng có chân trong các công ty, xí nghiệp, kiến thức cập nhật thường xuyên.
Chúng ta mấy chục năm nay chỉ chăm chăm cải cách giáo dục bậc tiểu học, phổ thông theo hướng càng ngày càng khó, nói là giảm tải nhưng thực tế là gom gọn lại chứ khối lượng kiến thức vẫn rất lớn. Tôi thấy học sinh bây giờ học quá nhiều (hết học ở trường lại đến học thêm). Nếu so sánh với các thế hệ trước thì có lẽ chúng ta không có cửa với các em bây giờ.
Tóm lại, thức cần thay đổi chính là tư duy giáo dục ở ta: học là để có cái nghề ra đi làm chứ không phải cố nhồi nhét thật nhiều lý thuyết suông. Do đó, chúng ta cần chú trọng đến cải cách chương trình đào tạo nghề và đại học thay vì làm ngược, thay đổi chương trình giáo dục phổ thông năm này qua năm khác. Mục tiêu là học sao để các em ra trường có thể đi làm được ngay. Muốn vậy, các nhà trường (đại học, dạy nghề) phải liên kết chặt chẽ với công ty, doanh nghiệp, tạo môi trường cho các em vừa học, vừa thực hành.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.