Tôi quá bất ngờ khi vừa đi làm về nhà, mở cửa đã thấy con gái ngồi khóc nức nở, nước mắt giàn giụa trong bộ đồng phục học sinh. Tôi vội vàng bỏ cặp xuống và ôm chặt lấy con. Con tôi dần trấn tĩnh, những giọt nước mắt vẫn chảy dài trên gương mặt buồn bã của con. Tôi cảm nhận được con đang bị tổn thương nặng nề, hiểu rằng mình cần phải giải tỏa ngay tâm lý cho con.
Tôi mang hết yêu thương, vỗ về, che chở cho con để mong con bình tĩnh vượt qua mọi chuyện. Khi con đã dần lấy lại được bình tĩnh, tôi bắt đầu gợi ý để con chia sẻ. Trong nghẹn ngào, con kể lại câu chuyện về buổi sinh hoạt cuối tuần ở lớp để bàn cách thức tổ chức lễ tri ân thầy cô, cha mẹ phụ huynh nhân dịp kết thúc 12 năm học trên ghế nhà trường.
Mới đầu, nghe con kể một chiều, tôi quá bức xúc và chỉ muốn gọi điện hoặc lao thẳng đến nhà cô giáo chủ nhiệm để làm cho ra chuyện. Nhưng khi bình tĩnh lại, tôi nhận thấy đây không phải là câu chuyện của cá nhân nữa, mà sẽ là câu chuyện của xã hội. Tôi không ám chỉ một vị thầy, cô nào, tôi không ám chỉ một ngôi trường nào và cũng càng không ám chỉ đến quý Ban cha mẹ học sinh nào.
Nhưng đây là một câu chuyện có thật, vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Nếu không kịp thời giải quyết, e răng đây là một câu chuyện gián tiếp đưa đến vấn đề bạo lực học đường, bạo lực tinh thần, bạo lực suy nghĩ, nếu không kịp thời nhận diện, ngăn chặn sẽ dẫn đến những hậu quả đau lòng như những câu chuyện vừa mới xảy ra cách đây không lâu ở một số trường học.
Với tư cách là một người cha, một người giảng viên tôi phải viết câu chuyện này đến tất cả mọi người, đặc biệt đến quý thầy, cô, đến Ban phụ huynh, đến Hội cha mẹ học sinh để góp thêm một tiếng nói nhằm chung tay ngăn chặn vấn đề bạo lực tâm lý, bạo lực suy nghĩ đang đè nặng lên đầu học sinh hiện nay.
>> Nỗi đau điểm kém khi thi Học sinh giỏi
Con kể rằng, để chuẩn bị cho lễ tổng kết năm học, chia tay các bạn, tri ân thầy cô, cha mẹ, cô giáo chủ nhiệm lớp con gợi ý cho cả lớp tổ chức một sự kiện nhân dịp kết thúc năm học. Ý cô muốn, trong buổi lễ đó có sự hiện diện đầy đủ của những thầy, cô giáo đã dạy ở lớp, có cả Ban Giám hiệu, có đầy đủ cha mẹ học sinh trong lớp.
Tại buổi lễ đó sẽ có những thước phim được chuẩn bị từ trước, có bài phát biểu của quý thầy, cô, có lời dẫn ngọt ngào, có lời chào thân thiện, lời giới thiệu trang trọng, ý nghĩa và lịch sự, có những bó hoa tươi thắm dâng tặng giáo viên, có những lời nói cảm ơn của từng học sinh gửi đến cha mẹ, thầy cô và tất nhiên, sau đó là âm nhạc và tiệc liên hoan tại một khách sạn. Tôi thầm nghĩ, nếu làm được như vậy thì quá tuyệt vời!
Theo như suy nghĩ của các con, để làm được ngần ấy việc một cách chỉn chu giống như những sự kiện mà chính bàn tay và khối óc các con đã làm trước đây thì không hề đơn giản và phải mất rất nhiều thời gian chuẩn bị một cách chu đáo, công phu, và cái chính là thời điểm này các con sẽ không thể làm nổi vì phải tập trung cao độ cho ôn thi tốt nghiệp cấp 3 - một kỳ thi đầy áp lực.
Cũng theo suy nghĩ của con, nếu để làm một chương trình mang tính hình thức, hời hợt thì các con không muốn làm. Các con đã họp, bàn bạc và thống nhất để xin phép báo cáo lại với cô chủ nhiệm, rằng chúng con xin phép được từ chối tổ chức công phu theo gợi ý của cô, bởi thời điểm này các con không đủ thời gian để làm những sự kiện này. Bởi chỉ còn hai tháng nữa là các con phải trải qua một kỳ thi quốc gia, quyết định tương lai trên con đường học tập. Và tất nhiên, các con có đề xuất cách thức tri ân quý thầy, cô với một cách thức giản dị và trân trọng nhất ngay tại những tiết học cuối cùng.
Câu chuyện chỉ có thế, nhưng cô giáo đã tỏ ra thất vọng. Và rồi cô tổ chức gấp một cuộc họp lớp, gọi học sinh lên để trình bày, biểu quyết công khai. Cô khẳng định các con đủ sức làm được giống như nhiều chương trình trước đây, và đặt chất vấn: "Tại sao lần này lại không làm được? Tại sao lại từ chối? Khó khăn, vướng mắc ở đâu?".
Tất nhiên, trong số ý kiến không đồng ý tổ chức theo cách cô gợi ý có cả ý kiến của con gái tôi. Con kể rằng, cô bắt con đứng lên phát biểu ý kiến, yêu cầu cả lớp bỏ phiếu bằng hình thức giơ tay trực tiếp. Cô đếm những ai không đồng ý với đề xuất của cô. Rồi cô nói theo ý của riêng cô. Và đâu đó, vô hình chung, cô reo rắc thêm mầm mống chia rẽ, phân biệt, đối xử và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý lứa tuổi trắng trong này.
Vậy là trái tim non nớt của con gái tôi đã bị tổn thương. Con đã mất niềm tin, đã bị coi như người làm đổ vỡ kế hoạch của cô, của lớp, của trường và của cả hội cha mẹ học sinh. Con dằn vặt, bật khóc.
>> Bệnh thành tích vì 'vừa đá bóng, vừa thổi còi'
Tôi hiểu và nhận diện ra vấn đề sẽ nằm ở ngay chỗ cô giáo đã đưa ra hình thức biểu quyết công khai. Vậy thì các em có được tự do phát biểu theo suy nghĩ, cảm xúc của mình? Khi các em đưa ra ý kiến chân thành, đóng góp từ tấm lòng chân thực, thì lại bị dội một gáo nước lạnh. Các em chưa thể đủ kiến thức nền tảng, lý lẽ, các em không đủ kinh nghiệm, sự khôn khéo để bảo vệ ý kiến. Mặc dù các con đã có ý kiến tổ chức đơn giản nhưng cô vẫn quyết định tổ chức như mong muốn dự kiến ban đầu. Các con đã im lặng nghe theo. Vậy cớ gì cô lại còn gọi từng em lên để chất vấn, tra hỏi?
Điều này chắc chắn sẽ hằn sâu vào tâm trí của các con rằng: "Tại sao người lớn lại trọng hình thức vậy? Tại sao người lớn không can đảm chọn một phương án để rồi động viên các em cố gắng hoàn thiện phương án ấy. Có rất nhiều vấn đề tại sao được các con đặt ra để người lớn chúng ta phải suy ngẫm, đặc biệt là đối với những người làm thầy, cô.
Phải chăng chính người lớn chúng ta đang muốn chạy theo hình thức, chạy theo thành tích mà quên đi những câu chuyện đau lòng về tình trạng bạo lực học đường, quên đi những bài học xót xa về những vụ việc đau lòng khi học sinh hành động dại dột?
Tôi xin kết thúc câu chuyện và xin phép nhắc lại rằng làm người thầy chẳng dễ, làm người thầy là chỗ dựa tin cậy vững chắc của học trò càng vạn lần khó hơn. Xin các thầy cô hãy thương học trò như con cái của mình, chỉ khi đó, chúng ta mới làm những điều tốt nhất cho các em được. Đừng vì lợi ích cá nhân, đừng vì sự bạc đãi của nghề nghiệp, đừng vì áp lực của cấp trên yêu cầu thành tích. Chỉ cần các thầy cô yêu thương và công tâm, mọi thứ sẽ ổn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.