Tôi sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là giáo viên. Bố tôi trước kia là giảng viên đại học Sư phạm, mẹ và hai anh em tôi ở quê. Bố tôi là thương binh lại quá khó khăn và xa nhà nên phải xin chuyển về dạy cho một trường Cao đẳng ở tỉnh. Tôi vẫn nhớ mỗi khi bố tôi về là lại đi xe đạp cùng mấy chú vào rừng cách nhà 15-20 km để kiếm củi về cho mẹ tôi đun, dù sức khỏe của ông không tốt.
Mẹ tôi thì làm đủ thứ nghề, từ làm ruộng, trồng rau, trồng hoa đem bán, đến may vá quần áo, đan len kiếm thêm để có tiền nuôi chúng tôi ăn học. Vậy nhưng mẹ vẫn phải tranh thủ soạn bài ban đêm để kịp hôm sau lên lớp. Mặc dù vất vả như vậy, nhưng gia đình vẫn đầy khó khăn. Bố tôi quyết định xin về xã, nhưng may mắn vì bố tôi giỏi nên được cử làm Hiệu trưởng.
Dù có bố là Hiệu trưởng nhưng người nhà tôi vẫn phải làm thêm để kiếm sống. Tôi chỉ mới lớp 4 đã biết đủ nghề như quấn thuốc lá, bán hàng tạp hóa, cân sắt vụn, ủ và nấu rượu, nuôi lợn, nuôi gà, nuôi thỏ, làm ruộng... Mặc dù vật lộn với cuộc sống như vậy, nhưng bố mẹ tôi vẫn luôn sợ bị mọi người đàm tiếu rằng "giáo viên mà lại đi làm kinh tế", nên khi kinh tế gia đình ổn hơn là mẹ tôi dừng hết mọi hoạt động làm thêm dù bà kinh doanh rất giỏi.
Kể cả sau này, khi xã hội xuất hiện chuyện học thêm, mẹ tôi lại được rất nhiều học sinh đến xin theo học, nhưng bà cũng không dám nhận nhiều vì ngại mang tiếng. Trải qua cuộc sống như vậy nên chỉ sau đúng một năm vào biên chế giáo viên, tôi quyết định nghỉ.
Nếu tôi ở lại biên chế, lương mỗi tháng tối đa cũng chỉ 5 triệu đồng, cộng thêm bảo hiểm coi như 7 triệu đồng một tháng. Với mức thu nhập như thế, tôi thà ra trường tư, làm lương 10-15 triệu đồng. Dù có bỏ hẳn 3 triệu đồng đóng bảo hiểm thì thu nhập của tôi vẫn hơn đứt dạy trường công, trong khi vẫn có lương hưu và con cái được sống đàng hoàng hơn. Chưa kể, nếu năng lực tốt, vào nhiều trường tư tốt, lại làm chủ nhiệm, thì thu nhập của tôi hoàn toàn có thể đạt 25-30 triệu đồng một tháng, chưa kể làm thêm ngoài.
>> Giáo viên 17 năm lương 8 triệu đồng
Nhiều bạn bè đồng nghiệp của tôi ở tỉnh cũng chuyển sang đi buôn bất động sản, bán bảo hiểm, mở cửa hàng kinh doanh... Chắc sẽ có nhiều người bảo "đã không tâm huyết thế thì nghỉ đi" nhưng nói thật, dù họ chẳng chú tâm dạy học thì trình độ chuyên môn cũng vẫn giỏi hơn rất nhiều giáo viên mới ra trường gần đây.
Khoảng 10 năm gần đây, tôi chưa thấy học sinh nào thuộc top trên nơi tôi dạy chọn theo nghề Sư phạm. Đặc biệt, rất hiếm con đồng nghiệp của tôi tiếp tục nối nghiệp cha mẹ làm giáo viên. Thiếu giáo viên trẻ, thiếu người giỏi, rõ ràng bài toán đặt ra với ngành Giáo dục phải là giữ chân được người tài ở lại với nghề chứ không phải ai không thích thì nghỉ rồi tuyển người mới.
Năm 2022, thống kê cho thấy có 16.000 giáo viên ra khỏi ngành Giáo dục công, tương đương với tỷ lệ 1/100. Sang năm tiếp theo, số lượng đó sẽ ngày càng tăng lên nếu chúng ta không thay đổi mức lương của nhà giáo. Thời gian tới, số trường công sẽ chỉ có giảm, lượng giáo viên cũng ngày càng ít, nên chính người Việt phải chuẩn bị tâm lý cho con học tư với chi phí đắt đỏ. Đó là một viễn cảnh không còn quá xa.
Bản thân tôi từng là giáo viên công lập, có con đang học trường công, nên dù đã ra môi trường tư thục, nhưng tôi rất hiểu và không trách cứ những mặt trái của hệ thống giáo dục công. Việc khối nhà nước thiếu người giỏi chắc chắn là một vấn đề cần được giải quyết sớm. Và tìm cách nâng cao thu nhập cho giáo viên theo nhiều nguồn, nhiều hướng là một giải pháp quan trọng, nhưng nó cũng chính là thứ khiến cho người dân có cái nhìn ác cảm với giáo viên và ngành Giáo dục.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.