ThS.BS Lê Nhất Nguyên, Trưởng đơn vị Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quận 8, khuyến cáo thai phụ cần nắm rõ các dấu hiệu chuyển dạ như bụng gò, vỡ ối, chuột rút, đau lưng, đau bụng, xuất hiện sữa non, uể oải, bung nút nhầy... để đến bệnh viện kiểm tra. Thai phụ gần đến ngày sinh nên khám thai hàng tuần. Khi thời tiết dự báo có bão lũ gần đến trong vòng 24 giờ hoặc đang trong vùng lũ lụt..., mẹ bầu cần di chuyển đến nơi an toàn, gần bệnh viện để phòng ngừa rủi ro.
Bác sĩ Nguyên lưu ý thai phụ cần dự phòng những bệnh thường gặp dưới đây.
Cảm cúm, viêm phổi
Khi mang thai, hệ miễn dịch của thai phụ suy yếu, dễ mắc cảm cúm, viêm phổi do mưa bão. Bệnh lây qua đường hô hấp với các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, đau đầu, mệt mỏi... Cúm khiến thai phụ dễ gặp biến chứng nặng như viêm phổi, thai nhi nguy cơ cao bị dị tật. Tình trạng sốt cao kết hợp độc tính virus gây co bóp tử cung, dễ sảy thai, chết lưu, sinh non...
Để phòng ngừa, thai phụ nên chích vaccine ngừa cúm trước ba tháng hoặc trong thai kỳ, không tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh đường hô hấp, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Tránh để nhiệt độ máy lạnh quá thấp hay nằm quạt liên tục khi ngủ, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý.
Sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết dễ xảy ra vào mùa mưa, khoảng tháng 7-11 hằng năm. Đây cũng là mùa mưa bão ở nước ta. Thai phụ sốt cao có nguy cơ xuất huyết cơ quan bên trong cơ thể, gây sảy thai, sinh non. Khi sinh nở, người mẹ dễ băng huyết sau sinh do giảm tiểu cầu.
Mẹ bầu cần chủ động phòng tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài tay, không để nước tù đọng trong nhà, giữ môi trường sống sạch sẽ, quang đãng. Người có dấu hiệu sốt cao, nhức đầu, cần đi khám ngay để được bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời.
Bệnh tiêu chảy
Trong mùa mưa bão, các bệnh tiêu chảy cũng dễ xảy ra do ăn thực phẩm không bảo quản vệ sinh, nguồn nước nhiễm virus, vi khuẩn tấn công. Nếu tiêu chảy kéo dài, cơ thể suy kiệt, mất nước, nặng hơn có thể bị trụy tim mạch, ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi.
Để phòng ngừa, phụ nữ cần tuân thủ ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch trong chế biến. Mẹ bầu uống nước bổ sung, đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời nếu tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, virus hoặc vi khuẩn.
Ngã
Thai phụ có thể bị chấn thương, té ngã do di chuyển, sảnh các tòa nhà, nơi công cộng đường trơn trượt vào mùa mưa. Nếu không may va chạm nặng, thai phụ có thể có biến chứng như bong nhau thai, xuất huyết, đau bụng, co bóp tử cung, vỡ ối sớm, gãy xương... Khi bắt buộc di chuyển, thai phụ cần lựa chọn phương tiện an toàn, hạn chế xách đồ nặng, bám vào tay vịn khi bước vào cầu thang.
Tuệ Diễm
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |