Giống như các bộ phận khác trong cơ thể phổi có thể lão hóa theo thời gian. Điều này khiến phổi mất sự linh hoạt, sức mạnh và gây khó thở nhiều hơn. Thực hiện những thói quen tốt và hạn chế những điều không nên làm dưới đây có thể giúp duy trì sức khỏe của lá phổi:
Nên làm
Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả việc cải thiện dung tích phổi. Mọi người có nhiều hình thức tập như: chạy bộ, đạp xe, nhảy dây hay đi dạo quanh khu nhà,... mỗi ngày. Cơ thể cần nhiều oxy hơn để cung cấp cho cơ bắp hoạt động, do vậy, trong lúc tập, nhịp tim sẽ nhanh hơn, phổi cũng tăng cường hoạt động để đáp ứng đủ nhu cầu oxy đó.
Tập thể dục cũng cải thiện chất lượng giấc ngủ, đặc biệt ở những người mắc các bệnh hô hấp như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, chứng ngưng thở khi ngủ... thường bị thức dậy nhiều lần trong đêm.
Thở sâu: Hít thở nông từ vùng ngực chỉ đưa được một lượng nhỏ không khí vào phổi. Thở sâu giúp làm sạch phổi và tăng cường trao đổi oxy. Nghiên cứu tại Hàn Quốc năm 2016 ở 30 người hút thuốc trên 65 tuổi được chia thành 4 nhóm. Ba nhóm thực hiện các bài tập thở sâu khác nhau 3 lần mỗi tuần, kéo dài 6 tuần; trong khi nhóm còn lại thì không. Phép đo từ tuần thứ 4 sau khi bắt đầu tập thở cho kết quả chức năng phổi được cải thiện và tới tuần thứ 5, 6 có sự thay đổi tích cực rõ rệt.
Hiệp hội Phổi Mỹ (ALA) cũng cho rằng các bài tập thở có thể giúp hệ hô hấp hoạt động hiệu quả hơn. ALA khuyến khích thực hiện bằng cách ngồi ở một nơi yên tĩnh và từ từ thở bằng mũi. Sau đó, thở ra bằng miệng gấp đôi thời gian hít vào. Trong khi thực hiện bạn có thể đếm theo nhịp, ví dụ khi bạn hít vào, hãy đếm từ 1-4 và đếm từ 1-8 khi thở ra. Những bài tập này còn khiến bạn cảm thấy bớt căng thẳng và thư thái hơn.
Tham khảo ý kiến bác sĩ: Nếu hay gặp các triệu chứng bệnh phổi như khó thở, mệt mỏi, đau tức ngực... và chúng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Đó có thể là dấu hiệu mắc các vấn đề về hệ hô hấp cần được điều trị kịp thời.
Không nên làm
Hút thuốc: Hút thuốc làm giảm dung tích phổi khiến cơ thể khó hấp thụ đủ oxy đồng thời là nguyên nhân chính gây ra một số bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng và phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, người hút thuốc lá có nguy cơ tử vong vì COPD nhiều gấp 12-13 lần so với người không hút.
Hút thuốc còn làm tăng nguy cơ ung thư phổi, chiếm 90% các ca tử vong vì ung thư ở cả nam và nữ. Thống kê cho thấy, các ca tử vong vì ung thư phổi hàng năm ở phụ nữ nhiều hơn ung thư vú.
Uống rượu: Rượu là một trong những đồ uống cần tránh đầu tiên ở người mắc bệnh phổi. Rượu có thể liên quan đến việc giảm lượng oxy, đặc biệt nếu uống trước khi đi ngủ. Khi đó cơ cổ họng khó hít oxy vào hơn và có thể dẫn đến tình trạng ngưng thở khi ngủ.
Bảo Bảo (Theo Healthline, Sweet Island Dreams)