BS.CKII Huỳnh Kim Khoe, Trưởng đơn vị Sản Phụ khoa, Hệ thống Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết khám thai lần đầu giúp bác sĩ kiểm tra chi tiết tiền sử bệnh lý của mẹ bầu, sức khỏe hiện tại, thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ cũng xác định số lượng thai, tính ngày dự sinh, kiểm tra vị trí thai làm tổ, túi thai bình thường hay bất thường... Dưới đây là những lưu ý của bác sĩ Kim Khoe dành cho phụ nữ có dấu hiệu nghi ngờ mang thai.
Chọn thời gian đi khám
Thời điểm thích hợp để khám thai lần đầu là khi phụ nữ trễ kinh hai tuần so với chu kỳ bình thường. Nữ giới kiểm tra que thử thai tại nhà hiện hai vạch hoặc khi có dấu hiệu mang thai sớm như ngực căng tức, nhạy cảm, thay đổi khẩu vị, ốm nghén, buồn nôn, đi tiểu thường xuyên, tăng tiết dịch âm đạo, xuất hiện máu báo thai...
Nếu phát hiện que thử hai vạch nhưng chưa có dấu hiệu trễ kinh nguyệt, phụ nữ chưa nên đến ngay cơ sở y tế để khám thai sớm. Vì thời điểm này thai còn rất nhỏ, khám quá sớm có thể tốn kém mà không đem lại hiệu quả.
Chuẩn bị thông tin cho bác sĩ
Ở lần khám thai đầu tiên, bác sĩ kiểm tra và dự phòng các nguy cơ thai kỳ dựa vào tiền sử bệnh lý của thai phụ và gia đình. Trên cơ sở này, bác sĩ có kế hoạch theo dõi thai, hướng dẫn mẹ bầu bổ sung vitamin, chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi... phù hợp với thể trạng.
Để khám thai thuận lợi, mẹ bầu nên chuẩn bị các thông tin trao đổi với bác sĩ như tiền sử sức khỏe, thuốc sử dụng, bệnh di truyền trong gia đình, tiền sử mang thai trước đối với người từng sinh nở, có sử dụng chất gây nghiện hay không... Cung cấp thông tin rõ ràng, chi tiết giúp bác sĩ quản lý thai kỳ tốt, kịp thời xử lý vấn đề bất thường thai kỳ, đảm bảo thai an toàn.
Quy trình khám thai
Trong lần khám thai đầu tiên, ngoài khai thác tiền sử bệnh lý, chu kỳ kinh nguyệt, triệu chứng nghi ngờ mang thai, bác sĩ chỉ định thực hiện phương pháp xét nghiệm Beta HCG, siêu âm cần thiết để chẩn đoán xác định có thai hay không. Phương pháp này kiểm tra sức khỏe thai, phát hiện sớm nguy cơ đa thai, hay tình trạng thai ngoài tử cung cần can thiệp.
Tiếp đến, bác sĩ kiểm tra sức khỏe người mẹ bằng cách đo chiều cao, cân nặng, huyết áp, kiểm tra tim mạch, hô hấp, bầu ngực, khoang bụng. Một số trường hợp đặc biệt bác sĩ kiểm tra cơ quan sinh sản, xương chậu. Sau đó, thai phụ có thể được chỉ định xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, nước tiểu, xét nghiệm loại trừ bệnh truyền nhiễm, xét nghiệm đường huyết đối với trường hợp nghi ngờ mắc tiểu đường thai kỳ. Sau khi có các kết quả siêu âm, xét nghiệm, bác sĩ tư vấn cho thai phụ về tiên lượng thai kỳ, cách chăm sóc thai, lịch tái khám.
Tuân thủ lịch tái khám
Sau lần khám thai đầu tiên, bác sĩ hẹn mẹ bầu khám lần tiếp theo vào khoảng tuần thứ 8-10 của thai kỳ để kiểm tra toàn diện sức khỏe của thai nhi. Thai phụ nên tuân thủ lịch tái khám theo hẹn, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Chọn cơ sở khám thai phù hợp
Để thai kỳ diễn tiến thuận lợi, phát hiện các bất thường sớm, bác sĩ Kim Khoe khuyến cáo thai phụ nên chọn cơ sở khám thai uy tín, có bác sĩ chuyên khoa sản và trang thiết bị hiện đại giúp sàng lọc, chẩn đoán trước sinh.
Khám thai không chỉ dừng ở tầm soát sức khỏe bào thai mà kiểm tra theo dõi sức khỏe mẹ bầu xuyên suốt 9 tháng 10 ngày. Do đó, cần có sự phối hợp giữa Trung tâm xét nghiệm, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Tim mạch... giúp theo dõi thai kỳ sát sao, phát hiện sớm những tình huống thai kỳ nguy cơ cao, can thiệp ngay từ trong bào thai và trước sinh để bé phát triển tốt nhất.
Tuệ Diễm
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |